(HNMO) - Hôm nay, 2/6, Quốc hội dành trọn thời gian để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013...
Nhận xét về tình hình kinh tế xã hội nói chung, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các đại biểu đánh giá cao những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ… Nhưng kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhiều chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống…
Đặc biệt, trong các ý kiến phát biểu, các đại biểu đều nêu quan điểm về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, các vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, sự chủ động đối phó của Việt Nam với bất cứ diễn biến bất lợi nào từ bên ngoài.
Các đại biểu lên án hành vi ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc và cho biết, cử tri tin tưởng tuyệt đối vào sự điều hành của Đảng và Nhà nước, hoan nghênh những phát biểu vừa qua của Thủ tướng tại các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần có những giải pháp chủ động để đối phó, đặc biệt là về kinh tế.
Theo các đại biểu, thực tế hiện nay, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc lớn do nguồn nguyên liệu của Trung Quốc dồi dào, giá rẻ,nhưng Việt Nam cũng là một thị trường đầu tư lớn hàng đầu của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
“Việc chúng ta chuẩn bị chủ động ứng phó với những bất ổn xảy ra là tất yếu nhưng việc duy trì quan hệ bình thường giữa hai nước cũng là cần thiết, mọi hành động phá hoại quan hệ giữa hai bên cũng là thất sách”, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Thái Bình nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, để cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện mạnh hơn việc tái cơ cấu ngoài ngành tại các Doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện khơi thông chính sách, phát triển kinh tế tư nhân. Các đại biểu cũng tin tưởng, sự đầu tư đúng hướng cho nền sản xuất trong nước cộng với sự liên kết, hợp tác của Việt Nam với các đối tác tiềm lực khác qua các hiệp định tự do thương mại sẽ giúp Việt Nam mở ra các thị trường mới tiềm năng hơn.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa – Thừa Thiên Huế đề nghị, cần có đầu tư đồng bộ, kịp thời vê tiềm lực quốc phòng và tiềm lực quốc phòng toàn dân. Trước mắt, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng chấp pháp trên biển đủ sức đối phó với các lực lượng xâm phạm chủ quyền trên biển; tập trung đầu tư những tàu đánh cá lớn cho nhân dân, đảm bảo vừa đánh cá, vừa làm nhiệm vụ biển đảo, tổ chức các nghiệp đoàn đánh cá lớn…
Đại biểu Huỳnh Nghĩa – TP. Đà Nẵng cũng đánh giá, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta đang gây ra những tác động bất lợi về kinh tế thị trường, Việt Nam càng cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, quan tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới; tìm kiếm những thị trường mới; có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang nợ đến hạn, củng cố niềm tin thị trường, khuyến khích các DN thừa tiền tham gia đầu tư; điều chỉnh gói tín dụng cho thị trường bất động sản; có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ…
Liên quan đến vụ ẩu đả lợi dụng phong trào biểu tình yêu nước chống việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, đại biểu Lê Thị Nga – Thái Nguyên cho rằng, vụ việc này đặt ra vấn đề là chính phủ phải khắc phục ngay công tác quản lý công nhân tại các nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là quản lý dân cư và an ninh trật tự, trong đó chú trọng đầu tư đồn công an tại các khu công nghiệp.
Theo đại biểu Nga, đa số công nhân tại khu công nghiệp đều có điều kiện rất khó khăn, nhiều tệ nạn phát sinh tại các khu công nghiệp tập trung nhưng chậm được giải quyết… Chính vì vậy, phải nâng cao đời sống cho công nhân, cải thiện điều kiện ăn ở và làm việc cho họ, đồng thời đánh giá nghiêm túc vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, xây dựng lực lượng nòng cốt, tự vệ trong công nhân.
Trở lại với yêu cầu xây dựng sự độc lập, tự chủ về kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương rà soát ngừng triển khai các dự án chưa thực sự bức thiết để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, quân đội và công an, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, đập tan mọi âm mưu của các phần tử xấu. Quốc hội cũng cần xác định rõ nhiệm vụ của các địa phương trong phát triển công nghiệp phụ trợ, mở rộng chuyển hướng thị trường để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Các địa phương nên kêu gọi những người dân không có việc làm cùng tham gia ra biển đánh bắt cá, cải thiện điều kiện cho vay với các chủ tàu, ưu đãi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tiêu thụ nông sản cho ngư dân ngay trên biển….
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng – Bình Dương cũng lưu ý, sự lệ thuộc kinh tế là cực nguy hiểm, nó sẽ khiến nước ta khó tránh khỏi các lệ thuộc khác và hoàn toàn bất lợi trong các tranh chấp. Việt Nam cần thoát dần khỏi sự lệ thuộc này, chuẩn bị cho những tình huống xấu, gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản.
“Năm 2014 nên là năm khởi động tiến trình chủ động kinh tế, trước tiên là thoát khỏi sự ảnh hưởng của láng giềng phương Bắc”, đại biểu Đáng đề nghị.
Theo đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế nước ta từ Quý 2/2013 đã bắt đầu giai đoạn phục hồi và hi vọng hết năm 2014 sẽ vượt qua được thời kỳ trì trệ để phát triển tốt. Nhưng vấn đề tồn tại lớn hiện nay là tổng cầu quá yếu, cần tập trung tháo gỡ nguồn vốn; áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt phần lớn các khoản chi thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại… để có thể có thêm ngân sách xử lý những vấn đề đang đặt ra; có hành động mạnh mẽ trong tái cấu trúc hành chính công và tài chính công.
Chia sẻ với ý kiến đại biểu Bùi Thị Nga, đại biểu Lịch cũng đánh giá, sự cố ẩu đả vừa rồi tại các khu công nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư mà Việt Nam dày công gây dựng. Đại biểu đề nghị, bằng mọi cách, Việt Nam phải chứng minh rằng, chúng ta luôn đảm bảo môi trường đầu tư, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư.
“Quan hệ kinh tế với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc, là bình thường, theo quy luật, nhưng qua sự kiện vừa rồi, chúng ta cần xem xét lại quan hệ thương mại, đầu tư với tất cả các nước, đảm bảo luôn duy trì quan hệ tương thuộc chứ không phải lệ thuộc”, đại biểu Lịch nói.
Việc đánh giá rõ hơn những hệ lụy của những tác động từ tình hình trên Biển Đông để có kế hoạch thống nhất thực hiện; chú trọng đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài; siết lại đầu tư, ưu tiên dành ngân sách hỗ trợ cho kiểm ngư, ngư dân yên tâm bám biển… cũng là đề xuất chung của các đại biểu Phương Thị Thanh – Bắc Kạn, Dương Hoàng Hương – Phú Thọ, Nguyễn Cao Sơn – Hòa Bình, Bùi Thị An – Hà Nội...
Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng đề nghị siết chặt kỷ cương tài chính, chi tiêu công; cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa; tăng tổng cầu nền kinh tế, giải phóng hàng tồn kho, khơi thông dòng vốn bất động sản; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Hôm nay (2/6) là ngày mở đầu của tuần làm việc thứ ba tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Trong tuần này, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề. Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi), dự án Luật căn cước công dân, dự án Luật hộ tịch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đáng chú ý, ngày 7/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Phiên làm việc này được truyền hình, phát thanh trực tiếp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.