Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung trí tuệ, thảo luận sâu rộng về mọi mặt của Thủ đô

T.Hoa| 26/10/2010 16:57

(HNMO) - Chiều 26/10,  dưới sự chủ trì của Đ/c Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các đại biểu tham dự Đại hội (ĐH) Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV đã thảo luận tại hội trường về các văn kiện trình ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI và ĐH Đảng bộ Tp lần thứ XV. Đã có tổng cộng 12 tham luận, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng đô thị, nông nghiệp nông thôn...

Các đại biểu đều nhất trí cao với các tham luận trình bày tại ĐH.


Dưới đây HNMO lược đăng các ý kiến tham luận của một số đại biểu

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó GĐ ĐH Quốc gia Hà Nội; Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN:
Hà Nội hoàn toàn có thể đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế tri thức

Do đặc thù của Thủ đô, Hà Nội có ưu thế tuyệt đối về nguồn lực trí tuệ. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 68 trường đại học và 20 trường cao đẳng, chiếm khoảng 25% tổng số trường ĐH và CĐ trong cả nước. Lực lượng trí thức trên địa bàn Thành phố cũng hùng hậu nhất nước, với khoảng trên 1700 Giáo sư và Phó giáo sư, trên 3000 Tiến sỹ, và khoảng 7500 thạc sỹ....

Đội ngũ trí thức, cán bộ KHCN ở Thủ đô không chỉ đông đảo về số lượng và có trình độ chuyên môn cao mà điều quan trọng là hầu hết các nhà khoa học, đều có nguyện vọng tha thiết, sẵn sàng mang tài năng, tâm sức của mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mặc dù các trường đại học, viện nghiên cứu đã có những đóng góp đáng kể cho Thủ đô, song vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu nhất là chúng ta chưa xác lập được những cơ chế và chính sách phù hợp, còn thiếu môi trường thuận lợi để cho đội ngũ trí thức tham gia sâu rộng vào việc hoạch định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển của Thủ đô.

Đại biểu Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL:
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong 5 năm tới

Việc triển khai nội dung Chương trình 08 - CTr/TU về “phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010” đã đạt được những thành tựu bước đầu tuy còn khiêm tốn song mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Chương trình 08 đã và đang dần tạo ra những tiền đề quan trọng, cần thiết cho môi trường văn hóa Thủ đô có những chuyển biến tích cực, phát triển ngày càng lành mạnh, phong phú. Những chuyển biến của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng…tuy còn chậm, song đã đạt được những kết quả khả quan.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều những mẫu hình văn hóa trên các địa bàn dân cư và trong các công sở, doanh nghiệp, trường học…đã và đang tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân dân Thủ đô phấn đấu vươn tới những chuẩn mực văn hóa đã xác định.

Tuy nhiên, Thành phố cũng đã nhìn nhận được những khiếm khuyết, những khó khăn, bất ổn trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung, các giải pháp, nhất là trong việc triển khai các phong trào văn hóa như: trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn có hiện tượng xem nhẹ, chưa hiểu biết đầy đủ tác động của văn hóa trong sự phát triển chung của địa phương, ngành, đoàn thể nên đã triển khai Chương trình còn hời hợt, mang tính hình thức, đối phó...

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác chuyển biến quá chậm, nhất là việc thực hiện “Quy ước cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm” chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hiệu quả đầu tư các nguồn lực để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn thấp. Lãng phí trong việc thực hiện các chương trình, các loại hình thông tin, tuyên truyền còn cao…

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:
Từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015

Để từng bước khắc phục tình trạng cơ sở hạ tầng GTVT yếu kém và bất cập như hiện nay, đồng thời yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đi trước một bước, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo nền tảng vững chắc để trước năm 2020 cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thì đòi hỏi Thành phố và ngành GTVT Thủ đô phải tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, và làm căn cứ cho các quận, huyện, thị xã điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xây dựng chi tiết trên địa bàn.

Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm có tính chất quyết định, đột phá về giao thông như phải hoàn thành khép kín Vành đai 2, Vành đai 3 và xây dựng đoạn qua Hà Nội của Vành đai 4 (cùng các cầu qua sông Hồng, sông Đuống thuộc tuyến Vành đai) nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh, giao thông đối ngoại, hạn chế không cho các phương tiện này đi sâu vào khu vực trung tâm. Hoàn thành việc cải tạo, mở rộng các Quốc lộ hướng tâm theo quy hoạch (QL1A, QL6, QL3, trục Tây Thăng Long, trục phát triển kinh tế Bắc - Nam).

Tiếp tục xây dựng mở rộng theo quy hoạch những trục đường chính đô thị quan trọng như các trục Đông - Tây (Vành đai 1): Vành đai 2,5 ; vành đai 3,5; trục Tây Thăng Long; trục Kiến Hưng – Kim Giang – Lê Trọng Tấn – Tôn Thất Tùng – Phạm Ngọc Thạch – ga Hà Nội; tuyến đường 70 (Văn Điển – Nhổn), đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; trục Phú Diễn - Nam Thăng Long - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám; trục đê Hữu Hồng; trục Nguyễn Tam Trinh - Kim Ngưu - Lò Đúc; trục ga Hà Nội - Hào Nam - Núi Trúc - Đội Cấn - Hoàng Hoa Thám; đường Ngô Gia Tự; đường gom phía tây đường sắt QL1 A cũ và Quốc lộ 1A (Văn Điển - Cầu Giẽ).


Đại biểu Trần Trọng Dực, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ Hà Nội:
Kiểm tra, giám sát góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát không những góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng và thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng, mà còn giúp củng cố được nhiều tổ chức Đảng, nhất là những nơi mất đoàn kết nội bộ kéo dài.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Thành uỷ, cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát còn bộc lộ một số yếu kém như một số cấp uỷ chưa coi công tác kiểm tra, giám sát đó là nhiệm vụ trực tiếp của cấp uỷ, còn khoán trắng cho UBKT hoặc chỉ dừng lại ở việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thậm chí có nơi chưa xây dựng đầy đủ chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm và phương hướng kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ.

Một số nơi công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn thụ động chờ vụ việc phát sinh mới kiểm tra, xử lý; nhiều cuộc kiểm tra còn mang tính hình thức, thiếu thiết thực, kết luận không rõ ưu, khuyết điểm; công tác kiểm tra giám sát chuyên đề chưa được coi trọng, dẫn đến không tổng kết rút ra được những vấn đề cần thiết cho lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác của một số cấp uỷ thực hiện thiếu quyết liệt; dẫn đến một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí còn thực hiện nửa vời, nặng về hình thức, thiếu kiểm tra đôn đốc thường xuyên do đó kết quả thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung trí tuệ, thảo luận sâu rộng về mọi mặt của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.