(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước. Với kinh nghiệm từ năm 2020, Cục Thuế Hà Nội đã, đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó sẽ tập trung rà soát, khai thác nguồn thu nhằm bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.
Thu ngân sách đã đạt 22,3% dự toán pháp lệnh
- Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, điều này có ảnh hưởng thế nào đến nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế Hà Nội, thưa ông?
- Năm 2021, Trung ương giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cho ngành Thuế Hà Nội là 216.921 tỷ đồng và HĐND thành phố giao 232.721 tỷ đồng. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, do đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục bị ảnh hưởng. Thực tế có những lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng suốt cả năm 2020 đến nay chưa thể hồi phục.
Tình hình trên chắc chắn sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội và nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội.
- Trước tình hình như vậy, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của Cục Thuế Hà Nội đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả gì?
- Hai tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nhà nước được 48.299 tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán pháp lệnh, 20,8% dự toán thành phố giao (nếu loại trừ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước thì đạt 22,8% dự toán pháp lệnh và 21,2% dự toán thành phố giao). Mức thu này bằng 96% so với cùng kỳ năm 2020 (nếu loại trừ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước thì tăng 7,3%).
Trong đó, thu nội địa là 48.003 tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán pháp lệnh, 20,7% dự toán thành phố giao và bằng 96,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, thu từ sản xuất, kinh doanh được 30.816 tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán pháp lệnh, 24,6% dự toán thành phố giao và tăng 10,8%; thu từ đất được 4.520 tỷ đồng, đạt 17,3% dự toán pháp lệnh, 15,2% dự toán thành phố giao và tăng 14,3%...
- Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về những kết quả trên trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19?
- Kết quả trên cho thấy nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, điều hành kinh tế vĩ mô của Trung ương, thành phố. Mặt khác, đây cũng là nỗ lực của ngành Thuế và các sở, ngành, địa phương của thành phố trong phối hợp rà soát, triển khai các giải pháp thu, khai thác nguồn thu còn dư địa.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 cho nhiều đối tượng. Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục theo sát các chỉ đạo để bảo đảm người nộp thuế được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tăng thu các khoản về đất
- Trở lại năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của thành phố nói chung và ngành Thuế Thủ đô nói riêng vẫn vượt dự toán. Từ kết quả này, Cục Thuế Hà Nội rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
- Qua triển khai nhiệm vụ năm 2020, Cục Thuế Hà Nội rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác thuế bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; điều hành, thực hiện quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn. Thứ hai, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức; coi đó là sức mạnh tổng hợp vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thứ ba, tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; các sở, ban, ngành thành phố và chính quyền địa phương trong thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, khai thác các nguồn lực tài chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân và thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả. Thứ năm, hỗ trợ, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế, đặc biệt là các chính sách thuế mới, như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước trong quản lý để tạo thuận lợi, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng cho người nộp thuế, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cán bộ, công chức thuế trong thực thi nhiệm vụ.
- Từ những bài học kinh nghiệm trên, xin ông cho biết, Cục Thuế Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2021?
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động bất lợi đối với nền kinh tế, Cục Thuế Hà Nội sẽ chủ động cập nhật tình hình để chỉ đạo, điều hành các đơn vị. Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, nguồn thu - dòng tiền, kê khai - nộp thuế... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ngành Thuế đôn đốc các doanh nghiệp khai - nộp thuế đầy đủ, đúng hạn.
Một giải pháp quan trọng nữa là rà soát các nguồn thu có dư địa bù đắp cho khoản hụt thu và tăng thu hiệu quả. Cụ thể, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, chúng tôi tập trung đôn đốc thu từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, thu từ tiền sử dụng đất, cho thuê đất… Trong đó, với hoạt động kinh doanh trực tuyến, ngành Thuế Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng và đơn vị liên quan xác minh nguồn thu nhập, mời người kinh doanh kê khai, nộp thuế. Với nguồn thu từ đất, Cục Thuế Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung khai thác, phấn đấu thu vượt dự toán tiền thuê đất nộp một lần, tiền sử dụng đất từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất nhằm bù đắp số thu bị suy giảm do dịch Covid-19, nhất là số hụt thu ngân sách địa phương.
Cùng với đó, Cục Thuế tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác cưỡng chế thu hồi nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; tăng cường công tác quản lý thuế hộ cá nhân kinh doanh. Một số giải pháp thu hồi nợ đọng hiệu quả tiếp tục được triển khai như công khai danh sách đối tượng chây ì nợ, cưỡng chế tài khoản, hóa đơn… Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội tích cực tham mưu với thành phố, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế các nội dung liên quan đến mở rộng cơ sở thuế, tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu thuế trong tương lai.
Về nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, chúng tôi tăng cường phối hợp nội ngành, ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.