(HNM) - Thời tiết ở Hà Nội đang vào cao điểm mùa khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã huy động 100% nhân lực phối hợp với chủ rừng, các xã, thị trấn có rừng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Huyện Sóc Sơn luôn là điểm “nóng” về cháy rừng ở Hà Nội trong những năm qua. Trong 11 tháng năm 2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 vụ cháy, gây thiệt hại 15,5ha rừng. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy rừng xảy ra ngày 16-10 tại xã Minh Phú, gây thiệt hại gần 8ha rừng.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 4 (phụ trách địa bàn Sóc Sơn) Lê Văn Đức cho biết, thời tiết diễn biến bất thường, nhiều ngày không có mưa, nắng hanh kéo dài nên toàn bộ hơn 4.500ha rừng ở Sóc Sơn nằm trong cảnh báo cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Còn theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 8 (phụ trách địa bàn Chương Mỹ - Quốc Oai) Vũ Tuấn Dương, dù thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy rừng nhưng một số người dân và khách du lịch vẫn sử dụng lửa trong rừng. Nếu không được phát hiện kịp thời và dập tắt sớm, việc cháy lan là khó tránh khỏi.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thông tin, toàn thành phố hiện có 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây. Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng với các loài thông, keo, bạch đàn và có thảm thực bì dày, phát triển mạnh, khô nỏ. Đặc biệt, trong rừng có nhiều công trình văn hóa lịch sử, là nơi tổ chức lễ hội, du lịch và xen kẽ với khu dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. 11 tháng qua, toàn thành phố xảy ra 12 vụ cháy, gây thiệt hại gần 17ha rừng. Diễn biến cháy rừng phức tạp nhất và nóng nhất vẫn là địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì và đều xảy ra vào cao điểm mùa khô hanh.
Xác định bảo vệ rừng là bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô và để giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, hằng năm, UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, phòng, chống cháy rừng mùa khô. Thực hiện các chỉ đạo này, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, đặc biệt trong dịp Tết, các đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài. Trong đó, từ đầu năm 2022 đến nay, chi cục đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ về sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng và tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng cấp huyện, xã, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Tiêu biểu, tại huyện Sóc Sơn, lực lượng kiểm lâm đã lắp đặt 250 banner tại 11 “điểm nóng” cháy rừng, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền biện pháp phòng, chống cháy rừng cho người dân. Còn tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì…, các hạt kiểm lâm tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp xã với sự tham gia của đông đảo người dân. Tại thị xã Sơn Tây, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng cho học sinh…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, biện pháp phòng, chống cháy rừng hiệu quả nhất là thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Bởi, khi phát hiện đám cháy, lực lượng tại chỗ chủ động chữa cháy khi lửa còn chưa lan rộng thì hiệu quả chữa cháy cao hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là vẫn còn tồn tại một số cá nhân cố tình lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm gia tăng nguy cơ cháy. Hơn nữa, hầu hết các vụ cháy rừng thời gian qua chưa được cơ quan chức năng phối hợp điều tra, xử lý đến nơi đến chốn và không tìm ra được đối tượng gây cháy nên tính răn đe không cao.
Để công tác phòng, chống cháy rừng hiệu quả, Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Sở NN&PTNT giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong rừng cùng khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng xử lý sự cố với phương châm “phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, có hiệu quả”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.