Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung nguồn lực xử lý ô nhiễm môi trường

Hoàng Sơn| 02/12/2022 06:37

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, triển khai các dự án xử lý rác thải, nước thải… Tuy nhiên, thực tế, chất lượng môi trường ở Hà Nội vẫn chậm cải thiện. Trước thực trạng này, ngày 23-11 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác thải theo quy hoạch; bố trí vốn cho các dự án nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường…

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) đang thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Ở Hà Nội, ô nhiễm môi trường chủ yếu ở nước mặt sông, hồ, kênh thoát nước, không khí, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt do chưa được phân loại, xử lý dứt điểm... Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp cho biết, hằng năm, thành phố bố trí khoảng 2,9% tổng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường với một số hoạt động, như: Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; quan trắc môi trường; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; lấy mẫu, đo tại hiện trường phục vụ công tác quản lý; ứng phó biến đổi khí hậu...

Thành phố đang triển khai xây dựng các dự án xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn. Cụ thể, chủ đầu tư đang triển khai Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày - đêm bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (dự kiến hoàn thành vào năm 2024). Thành phố cũng đang thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách như: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai), Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sơn Tây (thị xã Sơn Tây)…

Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn dự kiến 570 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn khoảng 8.900 tỷ đồng… Đến năm 2025, thành phố sẽ di dời các làng nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; đến năm 2030, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, việc triển khai các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong triển khai kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm; các dự án xử lý ô nhiễm môi trường chưa được chú trọng ưu tiên đầu tư; kinh phí đầu tư cho xử lý môi trường còn thấp... Thực trạng đó khiến điều kiện môi trường của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu.

Triển khai đồng bộ các giải pháp 

Để tạo chuyển biến mới trong công tác bảo vệ môi trường, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, thành phố đang đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố tới các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phù hợp thực tế và quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; đồng thời tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, lồng ghép quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp quy hoạch chuyên ngành khác; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"...

Cụ thể hóa kế hoạch, chương trình công tác, trước mắt, thành phố chỉ đạo thay thế, loại bỏ toàn bộ than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh trên địa bàn; tăng cường biện pháp quản lý hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác...

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, năm 2023, thành phố sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm chỉ tiêu 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý; hoàn thành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công suất 1.500 tấn/ngày và Dự án xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất 1.000 tấn/ngày; đưa vào vận hành ổn định Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phương Đình (huyện Đan Phượng) 240 tấn/ngày, Nhà máy Việt Hùng (huyện Đông Anh) 500 tấn/ngày. Việc hoàn thành các dự án này sẽ tạo tiền đề để thành phố triển khai các nhà máy xử lý rác thải tại Châu Can (huyện Phú Xuyên), Lại Thượng (huyện Thạch Thất), Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) và Phù Đổng (huyện Gia Lâm), thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp.

Tiếp đến, trong giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ triển khai xây dựng Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.

Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng các dự án xử lý ô nhiễm, triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường của các sở, ngành, địa phương, chắc chắn chất lượng môi trường Thủ đô sẽ sớm có chuyển biến theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực xử lý ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.