(HNM) - Để tiếp sức cho các xã trên địa bàn, sáng 11-11, huyện Hoài Đức phát động phong trào
Sau một thời gian ngắn triển khai, công tác xây dựng NTM ở Hoài Đức đã đạt được nhiều kết quả. Ông Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở - xã điểm của huyện cho biết, ngay sau khi được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã quán triệt trong cán bộ, đảng viên và họp dân để lấy ý kiến, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân. Do đó, người dân rất tích cực hưởng ứng phong trào, nhiều người đã góp tiền, hiến đất, tham gia xây dựng NTM. Đến nay, Yên Sở đã đạt 11 tiêu chí, xã phấn đấu đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành 14 tiêu chí (tăng 7 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM).
Đường làng xã Yên Sở, huyện Hoài Đức được bê tông hóa. Ảnh: Thái Hiền
Tại xã Đông La, công tác triển khai xây dựng NTM sôi động không kém. Theo ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã, Đông La đã lập quy hoạch, triển khai kiến thiết lại các tuyến đường giao thông, với mục tiêu giao thông đi trước một bước, tạo đà cho sản xuất phát triển. Để giảm kinh phí đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội đã vận động người dân hiến đất làm đường. Hàng trăm hộ đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất cho hai tuyến đường liên xã Đông La - Dương Nội; Đông La - An Khánh và tuyến đường liên thôn Đông Lao - Đồng Nhân. Ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Đồng Nhân là người đã hiến 25m2 đất để mở rộng đường giao thông liên thôn vui vẻ cho biết: "Nếu bán theo giá thị trường chắc chắn sẽ được 200-300 triệu đồng nhưng tôi sẵn sàng hiến cho Nhà nước. Có đường tốt, đời sống của người dân nhất định sẽ đổi thay". Cũng nhờ sự đồng thuận cao, đến nay hạ tầng nông thôn của xã Đông La đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu dân sinh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông La quyết tâm hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014 (sớm hơn một năm so với kế hoạch huyện đề ra).
Bên cạnh sự đồng thuận, chung sức của người dân, bằng nhiều nguồn vốn, những năm qua Hoài Đức đã đầu tư khá lớn cho phát triển hạ tầng nông thôn các xã. Riêng năm 2011, huyện đã đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng trường học, đường giao thông, nghĩa trang… Phương châm đầu tư là các tuyến đường do TP, huyện quản lý đầu tư bằng vốn ngân sách, các đường ngõ xóm chủ yếu do nhân dân đóng góp xây dựng; tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, đến nay cơ bản các trường đã đủ phòng học, phòng bộ môn và phòng hiệu bộ; cơ sở vật chất của các trạm y tế cũng đang được đầu tư hoàn thiện đạt chuẩn, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi mới.
Tập trung nâng cao giá trị sản xuất
Theo kế hoạch, huyện Hoài Đức phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 9 xã đạt tiêu chí NTM (trong đó xã Yên Sở hoàn thành trong năm 2012), chiếm gần 50% số xã và hoàn thành xây dựng NTM tại 100% số xã vào năm 2020. Đến nay các xã đã cơ bản hoàn thành lập đề án, trong đó có 4 xã đã hoàn thiện trình thẩm định, phê duyệt. UBND huyện sẽ phê duyệt đề án xong trong tháng 11-2011.
Có thể nói, khó nhất trong xây dựng NTM là chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nên Hoài Đức đặc biệt quan tâm đến những công việc này. Theo ông Cao Văn Tuyến, Phó phòng Kinh tế huyện, những năm qua, diện tích đất nông nghiệp của huyện bị thu hẹp nhường chỗ cho các dự án phát triển CN-TTCN, Hoài Đức đã chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất nâng cao giá trị canh tác. Đến nay, toàn huyện có 600ha cây ăn quả với nhiều loại cây đặc sản như nhãn chín muộn An Thượng, bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế), phật thủ tại xã Đắc Sở, cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hằng năm đạt từ 200-600 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, năm 2010, Hoài Đức đã có 31ha rau đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong chăn nuôi, toàn huyện có 200 hộ nuôi lợn, gà quy mô lớn (từ 100-500 lợn thịt và 1.000-3.000 gà/lứa). Mục tiêu của huyện là đến năm 2015, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp ven đô gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, giá trị kinh tế bền vững. Toàn huyện có 650ha cây ăn quả, trong đó 400ha cây ăn quả chất lượng cao gồm bưởi Diễn, bưởi đường, cam Canh, nhãn chín muộn; phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 100ha rau an toàn, 50ha hoa cây cảnh…
Làng nghề cũng là một trong những thế mạnh của huyện Hoài Đức. Toàn huyện có 51 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã quy hoạch 15 cụm, điểm công nghiệp và xây dựng các vùng công nghiệp tập trung, bước đầu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, lãnh đạo huyện khẳng định, Hoài Đức sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ cơ sở quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.