Văn hóa

Tập trung nguồn lực cho mục tiêu giữ gìn di sản:Nâng cao nhận thức, tình yêu và trách nhiệm

Giang Nam 07/10/2023 - 07:44

Sự tồn tại, phát triển của bất kỳ di sản văn hóa phi vật thể nào cũng luôn gắn với sự biến đổi của xã hội. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất chính là những nghệ nhân - chủ thể của di sản. Có những di sản từ chỗ mai một nay được hồi sinh; ngược lại, có di sản tưởng có thể phát huy hiệu quả bền vững lại đứng trước nguy cơ biến mất.

Nhận thức rõ điều này, Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực cho mục tiêu giữ gìn di sản, nổi bật là xây dựng chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân và kiến tạo môi trường để nghệ nhân thực hành, gìn giữ vốn cổ, bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền dạy để nâng cao nhận thức, tình yêu và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa nói chung.

mua-roi-5-.jpg
Người dân Đào Thục (xã Thụy Lâm, Đông Anh) bền bỉ lưu giữ, phát huy giá trị nghệ thuật múa rối nước của dân tộc. Ảnh: Trung Kiên

Xung lực mới cho quá trình bảo vệ di sản

Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà (huyện Thường Tín) vừa mới chính thức đạt chuẩn Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ. Đây là điều mà trước đây không ai “dám” nghĩ đến.

Tương truyền, hát trống quân hình thành và phát triển ở Khánh Hà từ thế kỷ XV. Đây là một dạng hát nói, hát kể nương theo niêm luật thanh điệu bằng trắc, vừa mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc vừa thể hiện trí tuệ, nét tài hoa, sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ.

Có thể khẳng định, hát trống quân là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, một di sản văn hóa của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và nhân dân xã Khánh Hà nói riêng. Nhưng rồi chiến tranh xảy đến, những biến đổi trong đời sống xã hội khiến người dân xa rời những câu hát năm xưa... Những năm gần đây, hát trống quân đã được chính quyền và các nghệ nhân từng bước “mở đường” trở lại.

Có những nghệ nhân không may mắn còn sống được đến hôm nay, nhưng cũng có những nghệ nhân cao tuổi như cụ Nguyễn Thị Vẫy, cái lưng đã còng rạp cả xuống, chờ được đến ngày này để chứng kiến hát trống quân “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa giời”. Cụ Vẫy vui lắm, cụ thường bảo với mọi người rằng bây giờ cụ đã là người “có lương”. Mỗi khi chính quyền tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy vốn cổ, cụ còn nhận được khoản thù lao bồi dưỡng. Bản thân Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà cũng được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồng thời hằng năm được cấp 20 triệu đồng để duy trì hoạt động. Với việc nghệ nhân được hỗ trợ, câu lạc bộ được đầu tư khá bài bản, chặng đường “phục sinh” của hát trống quân Khánh Hà là dễ thấy.

Chặng đường của Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà cũng là con đường chung của nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn Hà Nội, đó là đối mặt với sự mai một rồi lại từng bước hồi sinh. Dù mỗi nơi, tiến trình này có những thăng trầm riêng, nhưng mấu chốt chính là sự quan tâm của Thành phố, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương đối với hoạt động của các câu lạc bộ, các nghệ nhân.

Như tại huyện Đông Anh trong nhiều năm qua, cứ mỗi dịp hè về, chính quyền lại cấp kinh phí phục vụ công tác đào tạo các loại hình văn nghệ dân gian. Ở xã Xuân Nộn, học sinh được tham gia luyện tập hát tuồng; Câu lạc bộ Tuồng đồng ấu (thiếu nhi) được thành lập, thu hút đến mấy chục em. Ở Đào Thục, nghỉ hè, nhiều em học sinh lại được đến với lớp tập huấn múa rối nước. Không ai ngạc nhiên khi Đào Thục bây giờ trở thành một “làng du lịch”. Mỗi tuần, phường rối nước Đào Thục tổ chức khoảng 4,5 suất diễn. Có những dịp lễ, một ngày các nghệ nhân phường rối biểu diễn đến mấy ca...

Mặc dù vậy, với 1.793 di sản trải rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã, sự tồn tại, phát triển của các loại hình di sản không đồng đều, do sự quan tâm của chính quyền các địa phương là không đồng nhất. Bên cạnh nhiều di sản hồi sinh mạnh mẽ, còn không ít di sản hoạt động kiểu “năm thì mười họa” mà một trong những lý do chính là thiếu kinh phí hỗ trợ nghệ nhân, còn kinh phí hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ dân gian thì chắp vá...

Từ thực tế này, tháng 12-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Đây là bước đột phá trong việc xây dựng chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao năng lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cấp cơ sở. Ngoài mức hỗ trợ hằng tháng, mỗi khi tổ chức truyền dạy, các Nghệ nhân Nhân dân được hưởng mức thù lao là 500 nghìn đồng/buổi, Nghệ nhân Ưu tú được hưởng 300 nghìn đồng/buổi.

hat-trong-quan-khanh-ha.jpg
Màn hát đối đáp của các thành viên Câu lạc bộ Hát trống quân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Xuân Tiến

Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh chia sẻ: “Đây thực sự là một nghị quyết có tính toàn diện khi vừa hỗ trợ trực tiếp các nghệ nhân, vừa quan tâm, cấp kinh phí cho việc truyền dạy, hoạt động của các câu lạc bộ. Nghệ nhân là chủ thể của di sản, các câu lạc bộ tạo môi trường phù hợp để thực hành di sản. Do đó, những giải pháp này sẽ bảo đảm cho di sản được “vun trồng” từ gốc. Nghị quyết cũng góp phần khiến cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản”.

Giáo dục để di sản mãi trường tồn

Đến thời điểm này, Hà Nội đã đồng bộ triển khai hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân - những báu vật nhân văn sống. Nhiều địa phương như Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên... đã hỗ trợ các câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức nhiều lớp truyền dạy, nhiều đợt truyền dạy về di sản. Cả thầy lẫn trò đều được hỗ trợ kinh phí.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Tam (Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Bản thân tôi đã hàng chục năm tham gia truyền dạy ca trù mà không nhận đồng thù lao nào. Nay được các cấp chính quyền quan tâm tổ chức các lớp học ca trù, tôi rất xúc động. Tôi cảm thấy mình phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm gìn giữ ca trù”.

Nếu di sản văn hóa vật thể mang đậm yếu tố “tĩnh” thì di sản văn hóa phi vật thể lại mang tính “động” và chỉ có thể tồn tại khi được thực hành bởi con người. Mà con người chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi về kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế..., bởi vậy, chuyện đầu tư kinh phí, nâng cao trách nhiệm của nghệ nhân mang ý nghĩa tạo nền tảng cơ bản. Di sản văn hóa phi vật thể luôn đứng trước nguy cơ bị biến đổi, mai một, nhất là khi không được cộng đồng quan tâm, thực hành. Do đó, vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhất là truyền dạy và giáo dục di sản.

Phó Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ: “Nghệ nhân vốn là những người chỉ biết thực hành di sản. Muốn bảo vệ di sản, cần phải tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu được ý nghĩa sâu xa của di sản và tầm quan trọng của công tác bảo tồn. Nghe ca trù chúng ta thấy hay. Nhưng hay như thế nào? Khi dân hiểu được thì sẽ thích và sẽ chung tay bảo vệ”.

nghe-nhan-giu-hon-to-he-vie.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thành hướng dẫn con trai các bước nặn tò he. Ảnh: Hoàng Diệp

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Chúng ta cần nhận thức rõ hai khái niệm: Truyền dạy và giáo dục di sản. Truyền dạy là để có thế hệ nghệ nhân mới kế thừa vốn di sản, thực hành di sản. Giáo dục là để cho mọi người hiểu về di sản. Một đứa trẻ có thể không thực hành di sản, nhưng khi được giáo dục về di sản thì chúng sẽ quan tâm và bảo vệ. Nghệ nhân cần tham gia truyền dạy và giáo dục, còn phía chính quyền thì tạo điều kiện để nghệ nhân có thể làm tốt việc đó”.

Bày tỏ ý kiến về giáo dục di sản, Nghệ nhân Ưu tú Đoàn Văn Hựu (Câu lạc bộ Ca trù Hoa Hựu) cho rằng, cần đưa các di sản văn hóa phi vật thể vào giảng dạy trong nhà trường.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Định (Câu lạc bộ Tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) cũng chia sẻ, ngoài các lớp truyền dạy di sản nặn tò he tại câu lạc bộ hằng tháng, trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ phối hợp với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện để tổ chức các lớp truyền dạy, trình diễn nghệ thuật nặn tò he cho học sinh trong giờ ngoại khóa. Đồng thời, các nghệ nhân sẽ trình diễn tò he tại Lễ hội Vinh danh làng nghề truyền thống của huyện”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực cho mục tiêu giữ gìn di sản: Nâng cao nhận thức, tình yêu và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.