(HNM) - Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng nhiều cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có sự giám sát của cộng đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương nhận định: Đây là một giải pháp quan trọng hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.
Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm
- Để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng những cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về việc này?
- Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích gieo trồng cây hằng năm của Hà Nội đạt 253.484ha; trong đó lúa 179.545ha, rau các loại 33.159ha, cây ăn quả 18.836ha, hoa cây cảnh hơn 6.884ha, chè 2.676ha, khoai lang 2.614ha, cây dược liệu 1.105,9ha, đậu các loại 676,79ha... Hiện tại, một số huyện có diện tích trồng rau lớn như: Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Chương Mỹ… đã xây dựng những cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân; đồng thời tạo dựng phương thức sản xuất mới, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn với những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô.
Để làm được việc này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động. Nổi bật là tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân, trong đó cốt lõi là tổ chức lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; mở các lớp ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI)... Đến nay, việc ứng dụng SRI trên cây lúa đạt 60% diện tích.
Toàn thành phố có 5.040ha rau an toàn và hơn 50ha rau hữu cơ phần lớn sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học... Việc này không chỉ hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà còn kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng rau, quả trên thị trường. Vì vậy, mỗi năm các ngành chức năng lấy hàng nghìn mẫu rau, quả để xét nghiệm nhưng chỉ có 1-2 mẫu vượt dư lượng tối đa cho phép về thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, giá trị sản xuất an toàn cũng được nâng cao, như với lúa nếp cái hoa vàng đạt 100 triệu đồng/ha/vụ; rau an toàn đạt 1 tỷ đồng/ha/năm...
- Trong xây dựng những cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng cũng được Hà Nội chú trọng. Ông có thể cho biết thành phố đã có những giải pháp cụ thể nào?
- Trước đây ở nhiều địa phương, xuất hiện khá phổ biến tình trạng sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ ngay tại ruộng hoặc bỏ gần kênh mương tưới tiêu, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vỏ bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật với nhiều chủng loại khác nhau như: Chai thủy tinh, chai nhôm, chai nhựa và lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa trong đó đều rất khó phân hủy, gây tác hại khôn lường với môi trường. Đa số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa ý thức được sự nguy hại đối với môi trường đất, nước, không khí cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, Hà Nội đã lắp đặt khoảng 20.000 thùng chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng để người dân thu gom vào thùng và mang đi tiêu hủy theo đúng quy định. Với việc xây dựng các mô hình cánh đồng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không còn tình trạng vứt bừa bãi chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
- Cùng với tuyên truyền vận động người dân hạn chế và sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, Hà Nội còn triển khai thực hiện mô hình giám sát cộng đồng (PGS), ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?
- Xây dựng mô hình giám sát cộng đồng (PGS) là một trong những giải pháp tạo được sự đồng thuận của người dân và từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với việc áp dụng mô hình này, toàn bộ quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra bảo đảm phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng, nhất là trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi một nhóm sản xuất sẽ có nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng tham gia giám sát để bảo đảm quá trình này diễn ra minh bạch.
Thực tế cho thấy, sản xuất có sự giám sát cộng đồng giúp lợi nhuận tăng cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường vì người dân tự chứng nhận bảo đảm chất lượng cho nhau thông qua hoạt động giám sát chéo. Khi tham gia PGS, việc tiêu thụ nông sản của nông dân dễ dàng hơn nhờ kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống được tính toán kỹ lưỡng dựa trên mùa vụ, nhu cầu thị trường. Đến hết năm 2019, Hà Nội đã triển khai 35 mô hình PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở 16 quận, huyện, thị xã với diện tích hơn 1.138ha. Năm 2020, thành phố tiếp tục mở rộng thêm 5 mô hình PGS trên rau.
Thay đổi nhận thức và cách sản xuất
- Việc xây dựng cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mang lại hiệu quả rất lớn như ông đã nói, nhưng thực tế cho thấy quá trình triển khai không đơn giản, nếu không muốn nói có không ít bất cập?
- Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát. Muốn xây dựng được những cánh đồng hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc sử dụng vật tư nông nghiệp để khi lấy mẫu xét nghiệm không còn tồn dư bất cứ một hoạt chất gây hại nào cho cây trồng và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, trên thị trường, số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá lớn với 1.741 hoạt chất, hơn 4.000 tên thương phẩm. Mặt khác, số lượng cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cũng rất lớn; Hà Nội lại có nhiều tuyến giao thông nối với các tỉnh, thành phố, do đó các đối tượng có thể vận chuyển lén lút thuốc nhập lậu từ nhiều địa phương khác vào Hà Nội tiêu thụ. Trong khi đó, chính quyền cấp xã chưa xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Cùng với đó, thực tế cho thấy còn có không ít nông dân chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì lợi nhuận trước mắt nên nhiều hộ dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Hơn nữa, các loại thuốc bảo vệ thực vật giá thành rẻ, hiệu quả nhanh, không tốn nhiều công sức như chăm sóc các loại cây trồng theo hướng hữu cơ hay tiêu chuẩn VietGAP…
- Để có nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Theo ông, Hà Nội cần phải làm gì? Giải pháp nào để nhân rộng mô hình những cánh đồng hạn chế đối đa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?
- Để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín trên tất cả loại cây trồng, sản phẩm trồng trọt. Nhà sản xuất, kinh doanh phải trả lời được câu hỏi: Bán ở đâu, quy mô ra sao, sản xuất công nghệ như thế nào…? Bởi một khi canh tác đúng và đúng quy chuẩn, quy trình thì lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm đi rất nhiều, từng bước hình thành những cánh đồng sản xuất an toàn. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc lắp đặt các thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tự thu gom bao bì về đúng nơi quy định; cam kết trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp không vứt rác thải bừa bãi ra đồng ruộng...
Mô hình cánh đồng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao ý thức của người nông dân đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần hướng đến sản xuất sạch và một nền nông nghiệp sinh thái bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.