Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai

Thống Nhất| 01/10/2016 08:33

(HNM) - Việc bổ sung một số thứ tiếng nước ngoài trong nhà trường nằm trong lộ trình triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án ngoại ngữ 2020) nhằm tăng sự lựa chọn cho học sinh (HS); mục tiêu của Đề án là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.

Học sinh được chọn ngoại ngữ

Dự kiến từ năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm triển khai dạy học tiếng Nga và tiếng Trung theo chương trình 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến hết lớp 12. Có thể hiểu là hai thứ tiếng này sẽ được giảng dạy như một ngoại ngữ chính, tương đương với tiếng Anh hiện nay, chứ không phải là ngoại ngữ tự chọn. Tuy nhiên, quan điểm này đang khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi.


Một tiết học tiếng Anh tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên). Ảnh: Anh Tuấn


Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng ở thời điểm này, các nhà trường nên tập trung nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh. Thực tế, tiếng Anh đã được triển khai giảng dạy ở các nhà trường từ lâu nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Kết quả thi môn này trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cho thấy có tới gần 90% HS có điểm từ 1 đến 4,5.

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội ủng hộ việc đưa thêm một số thứ tiếng vào dạy trong trường phổ thông, song cho rằng cần tính toán lại lộ trình triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nên chăng, trước khi triển khai, Bộ GD-ĐT cần khảo sát rõ hơn về nhu cầu thực để bảo đảm tính khả thi cao, tránh lãng phí.

Trước những băn khoăn này, Bộ GD-ĐT cho biết, chủ trương dạy học ngoại ngữ do Bộ đưa ra không nhằm ép buộc mà việc chọn dạy - học ngoại ngữ dựa trên tinh thần tự nguyện của HS và điều kiện, khả năng cụ thể của từng nhà trường, từng vùng miền. Nơi nào có điều kiện thì có thể bổ sung một số thứ tiếng khác để dạy học nhằm tăng sự lựa chọn và bảo đảm quyền lợi cho HS. Điều này được khẳng định tại Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 về Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó cho phép HS được chọn một trong bốn ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung (mới đây có thêm tiếng Nhật) để học như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Giáo dục Trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel: Việc lựa chọn ngoại ngữ nên dựa trên nhu cầu thực tế, có như vậy thì việc đầu tư mới hiệu quả. Thực tế cho thấy tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ quan trọng, cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn về mọi mặt. Do đó, cần thay đổi tận gốc cách thức giảng dạy môn học này để đạt mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ mang tính công cụ chứ không phải một ngoại ngữ là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Ưu tiên tiếng Anh

Theo ghi nhận tại các nhà trường, chủ trương cho phép HS được lựa chọn học ngoại ngữ được triển khai từ nhiều năm nay, trong đó, tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ được đại đa số HS lựa chọn. Theo Bộ GD-ĐT, hơn 99,9% HS phổ thông chọn học tiếng Anh, tỷ lệ HS học tiếng Pháp là 0,035%... Ngoài ra, có một số trường tổ chức cho HS học tiếng Nga, tiếng Trung, tùy theo khả năng của đơn vị và nguyện vọng của HS, song số này là rất ít.

Khẳng định tiếng Anh là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Các nhà trường cần hướng cho HS tới việc học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để lấy điểm cao. Xu hướng này sẽ định hướng việc dạy học của giáo viên, từ đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục. Cũng theo Bộ trưởng, các nhà trường cần chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ của HS ở địa phương và các bậc học; bên cạnh tiếng Anh, cần chú ý đến các ngoại ngữ khác. Các địa phương cần quan tâm xây dựng môi trường học ngoại ngữ (ví dụ như hình thành câu lạc bộ) để HS, sinh viên, người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học, từ đó thúc đẩy phong trào toàn dân học tiếng Anh, biến việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực đối với người học.

Mặc dù vậy, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, không phải nơi nào cũng áp quan điểm này, bởi trong thực tế có những nơi như vùng núi, vùng nhiều người dân tộc thì cần coi trọng việc dạy tiếng Việt. Để nâng cao trình độ tiếng Anh, tiến tới phổ cập tiếng Anh thì cần một lộ trình dài và tốn kém, vì vậy, không thể chỉ dựa vào ngân sách. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là không đầu tư dàn trải mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi, tập trung ở những nơi có điều kiện để từ đó nhân rộng.

Trên thực tế, trình độ và năng lực giáo viên dạy tiếng Anh đang là vấn đề "nóng" ảnh hưởng đến chất lượng môn học này. Tại Hà Nội, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc của Bộ GD-ĐT ở các cấp học là trên dưới 70%, song tỷ lệ trung bình của cả nước chỉ bằng một nửa con số này. Đây là thực tế rất đáng lo ngại cho công tác dạy và học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.