(HNMO) - Ngày 29-10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần có sự đồng thuận, thiết thực, hiệu quả, thực chất trong việc thực hiện chiến lược nói trên. Việt Nam sẽ tập trung chuyển đổi sang sản xuất sạch và tăng trưởng xanh nâng cao giá trị, theo hướng bền vững với môi trường.
Chiến lược trên đặt mục tiêu là cường độ phát thải trên GDP giảm ít nhất 15% đến năm 2030; 30% đến năm 2050 so với năm 2014. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu như năng lượng sẽ nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng; chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ.
Các ngành sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường bên cạnh việc kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Ông Lê Việt Anh cho biết thêm, các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Đồng thời phát triển các ngành sản xuất xanh; nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương…
Bên cạnh đó, các chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng, để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, giải pháp hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường. Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho tăng trưởng xanh; huy động các định chế tài chính, quỹ, nhà đầu tư tư nhân quốc tế; ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, hỗ trợ kỹ thuật cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, hợp tác giữa nhà nước - tư nhân, nhà đầu tư trong, ngoài nước trong các dự án xanh, áp dụng công nghệ tiên tiến…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.