(HNM) - Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và quốc tế trong bối cảnh tình trạng kinh tế suy giảm diễn ra trên bình diện toàn cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là xác định mục tiêu phù hợp khi xuất hiện một số điều kiện bất lợi, đồng thời cũng xác định tinh thần phấn đấu, nỗ lực tối đa để đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2023.
Khó khăn, bất lợi hơn
Không ngẫu nhiên mà Quốc hội đã quyết định mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023. Con số trên thấp hơn hẳn so với kết quả tăng trưởng hơn 8% trong năm 2022 và có thể thấy các cấp thẩm quyền đã đoán định được những thách thức không nhỏ, bất lợi khó lường trong năm nay.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, liên quan chặt chẽ với kinh tế thế giới. Trong nước, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước chưa mạnh, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… là các vấn đề cần hết sức lưu ý. Trong bối cảnh đó, dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 nhưng vẫn là con số đầy thách thức.
Liên quan đến nội dung trên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023, với mức thấp là 6,47% và mức cao là 6,83%, với những lo ngại được phân tích và cập nhật từ thực tế. Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương, tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại từ quý IV-2022. Vấn đề thiếu đơn hàng, dẫn đến thiếu việc làm đã diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Tác động này còn có thể kéo dài trong những tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu được ghi nhận ở một số doanh nghiệp thuộc ngành da giày, may mặc, đồ gỗ. Nguyên nhân là đối tác nước ngoài tạm dừng hoặc giảm bớt mức độ nhập khẩu. Ở góc độ khác, số doanh nghiệp mới thành lập và tái gia nhập thị trường trong tháng 1-2023 là 25.910 đơn vị nhưng lại có tới 43.873 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Những thực tế trên là chỉ dấu để nhận định bức tranh kinh tế năm 2023 có thể trầm lắng so với năm 2022.
Vào cuộc đồng bộ, hành động thực chất
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai mạnh mẽ, trên diện rộng các dự án đầu tư công, xác định rõ tăng tốc giải ngân nguồn vốn này là động lực tăng trưởng quan trọng. Liên quan đến nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát, đôn đốc tiến độ một số dự án đường bộ cao tốc, hạ tầng trọng điểm, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư công của cả nước, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều và nhanh, hiệu quả hơn để phục hồi “sức khỏe”, từ đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu tăng trưởng. Việc tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, lãi suất, điều kiện kinh doanh... phải triển khai một cách thực chất. Mới nhất, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo đó, tổng số thuế giá trị gia tăng gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6-2023 và quý I, quý II-2023 là khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian gia hạn là 3 tháng và số thuế được gia hạn khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng.
Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31-5 đến 30-11-2023. Trong khi đó, Bộ Công Thương sẽ dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu vào những thị trường đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nhằm tìm đầu ra cho hàng Việt.
Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh - Năng lực cạnh tranh của CIEM Nguyễn Minh Thảo cho rằng, việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp phải xuất phát từ mong muốn vì doanh nghiệp. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao việc thu thuế diễn ra rất nhanh nhưng việc hoàn thuế cho doanh nghiệp lại chậm? Sự chậm trễ này chắc chắn ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp nên được đặt trong bối cảnh cấp thiết, chắt lọc từng cơ hội để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển trên thị trường.
Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 còn dựa vào khả năng khai thác, tận dụng thời cơ của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Dự báo, năm 2023, ngành này sẽ gặt hái nhiều thành công. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng khá tốt và giúp kiềm chế đà suy giảm của toàn ngành công nghiệp… Hoạt động du lịch đang phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa đã kéo theo các hoạt động lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, bán buôn bán lẻ đang dần về mức như trước đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.