(HNM) - Sáng qua (25-2), Thường trực UBND TP Hà Nội đã nghe Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm (BCĐ) báo cáo về các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc, bảo vệ rùa quý và thực hiện các biện pháp tổng thể, đồng bộ xử lý ô nhiễm môi trường Hồ Gươm.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã kết luận, chọn chân Tháp Rùa làm địa điểm chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm. Chia sẻ thêm với Báo Hànộimới, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, kiêm Phó ban BCĐ cho biết thêm một số thông tin quanh vấn đề này.
Rùa Hồ Gươm sẽ được chữa bệnh ngay dưới chân Tháp Rùa. |
- Qua tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, một số quần chúng có kinh nghiệm nuôi rùa, BCĐ đưa ra một số phương án bắt rùa, chữa bệnh và địa điểm đưa rùa lên chữa bệnh. Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của mỗi phương án, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng đây là công việc cấp bách cần phải thực hiện ngay và quyết định lấy khu vực chân tháp và đảo nổi Tháp Rùa (rộng khoảng 360m2 - PV) làm điểm tập kết cho công việc trị bệnh cho rùa Hồ Gươm. Địa điểm này sẽ phải dọn vệ sinh, làm thêm đường lên tự nhiên cho rùa. Chọn nơi này có thuận lợi là tránh "sốc" cho rùa vì không phải vận chuyển đi xa, tận dụng được hạ tầng sẵn có là các bãi cát ở chân Tháp Rùa. Sau đó, rùa sẽ được cách ly bằng cách thiết kế một hệ thống bể nhỏ khoảng 20m2 gần giống với môi trường tự nhiên để rùa có thể sinh sống. Hệ thống này có bơm hút nước ra, vào, có thể kiểm soát được chất lượng nước và nếu công việc chữa trị kéo dài có thể phải tăng thể tích bể. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu việc thiết kế thiết bị bắt rùa cần tránh gây "sốc", có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của rùa.
- Hiện các phương án bắt rùa đã và đang được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Với phương án được chọn thì việc cải tạo lối từ lòng hồ lên chân Tháp Rùa để hy vọng rùa - theo quy luật tự nhiên là thích bò lên phơi nắng - sẽ được làm ngay. Nếu rùa tự bò lên sẽ có giải pháp lưu giữ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong ba phương án bắt vì chờ rùa tự lên sẽ không biết bao lâu. Ngoài ra, chúng tôi đã thiết kế hệ thống bẫy nổi có điều khiển từ xa để nếu rùa vào khu vực này sẽ bị giữ lại. Một cách khác là dùng hệ thống lưới dài khoảng 500m ngăn khu vực rùa hay nổi là phía đền Ngọc Sơn và nhà hàng Thủy Tạ để tiến hành bắt. Tóm lại, các quy trình này đã có thiết kế sơ bộ trên bản vẽ và được rà soát khẩn trương để có thể sớm thực hiện.
- Vậy ưu tiên của BCĐ trong những ngày tới là gì?
- Theo phân công, các nhóm công tác chuyên trách về môi trường, phương pháp bắt và nhóm chữa trị cho rùa đang tích cực với các phần việc được giao. Thành phố sẽ ưu tiên việc chữa trị cho rùa, sau đó là các giải pháp bảo vệ môi trường Hồ Gươm và việc gì làm được sẽ làm ngay. Ví dụ: đường ống cấp thoát nước của đền Ngọc Sơn vốn đang chạy là là trên mặt nước sẽ được chuyển lên dưới gầm cầu Thê Húc trong một vài hôm tới. Việc bổ sung nước sẽ hoàn thành trong cuối tháng 2. Việc cải tạo lối từ hồ lên và dọn dẹp vệ sinh Tháp Rùa sẽ tiến hành ngay. Ngoài ra, khi bắt được rùa về vị trí chữa bệnh, Sở Xây dựng sẽ nạo vét quanh hồ bằng biện pháp thủ công và nạo vét lòng hồ theo công nghệ của Đức đã được chứng minh tính hiệu quả từ đợt thử nghiệm cuối năm 2009.
- Vậy công tác chuẩn bị chữa bệnh cho rùa hiện đang ở giai đoạn nào và dự kiến việc này sẽ mất bao lâu?
- Nhóm chữa bệnh gồm một số chuyên gia bệnh học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Viện KHCN Việt Nam... Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ mời một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm chữa bệnh cho rùa đến Hà Nội để hỗ trợ việc này. Hiện nay, sơ bộ đã có các phương án ban đầu, chẳng hạn như nếu bị virus thì chữa ra sao, dùng thuốc gì và nếu bị nấm thì chữa thế nào... Tuy nhiên, khi bắt được rùa sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm sau đó có hội chẩn để tìm phương án tối ưu nhất. Đây là công việc khó khăn và không thể nói trước sẽ bao giờ thực hiện xong vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm sâu trong vấn đề này và cũng chưa rõ rùa bị bệnh gì. Theo khuyến cáo của chuyên gia nước ngoài, việc chữa cho rùa có thể kéo dài hàng tháng hoặc cả năm tùy thuộc vào loại bệnh mà rùa bị mắc. BCĐ cũng đã tính đến phương án cho tình huống việc chữa trị phải kéo dài.
- Thưa ông, khi chữa bệnh cho rùa, vấn đề xác định loài có được thực hiện hay không?
- Hiện có nhiều kiến giải khác nhau về phân loài nhưng tất cả đều thống nhất rằng đây là loài đặc biệt quý hiếm. Nhân dịp này, chúng tôi cũng sẽ lấy mẫu để giám định gen cho rùa. Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, việc này không có gì khó.
Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.