Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung bình ổn giá

Thanh Mai- -Thắng Ngọc| 27/11/2010 07:07

(HNM)- Hiện nay, trên thị trường, các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống người dân đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn


Giá cả nhiều mặt hàng vẫn "leo thang"


Người dân mua thực phẩm tại chợ Hôm. Ảnh: Đàm Duy


Theo Bộ Công thương, tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng mạnh. Tại TP Hồ Chí Minh CPI tăng 1,73% so với tháng 10, mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay và tăng 7,74% so với tháng 12 năm trước, với 11 nhóm hàng đều tăng giá. CPI của Hà Nội tăng 1,93%, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm và tăng 11,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất. Dự báo, giá hàng hóa trong tháng 12 tiếp tục tăng theo đúng chu kỳ hằng năm, với mức tăng 0,8-1% so với tháng 11.

Tại miền Bắc, sản lượng gạo giảm do thiên tai, dịch bệnh đã đẩy giá gạo tháng 11 tăng. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vừa được mùa vừa được giá do giá gạo xuất khẩu tăng. Các tháng tới, nguồn cung lúa gạo trong nước vẫn ổn định đủ đáp ứng nhu cầu. Giá thực phẩm tại Hà Nội cũng "leo thang", khi giá thịt gia súc, gia cầm và rau xanh tăng hơn 5%. Nhiều khả năng giá thịt gia súc, gia cầm trong các tháng tới tiếp tục tăng theo chu kỳ hằng năm, trong khi giá rau sẽ giảm do thu hoạch vụ đông. Giá thực phẩm tại các tỉnh phía Nam trong tuần gần đây có chiều hướng giảm sau khi tăng những ngày đầu tháng. Từ đầu tháng 11 đến nay, giá dầu thô biến động trong biên độ lớn, đã lên tới 88,63 USD/thùng vào ngày 11-11 (mức cao nhất trong hai năm qua kể từ ngày 9-10-2008). Tuy nhiên, ngay sau đó giá dầu thô đã giảm mạnh do lo ngại Trung Quốc tăng lãi suất cơ bản. Dự báo, giá dầu thô sẽ giảm so với những phiên giao dịch đầu tháng 11. Giá phân bón trên thị trường thế giới đang tăng cao, cộng với tỷ giá USD/VND ở mức cao làm ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kìm đà tăng giá phân bón, trong đó đặc biệt chú ý kiểm soát tình trạng "găm" hàng của các đại lý nhằm thu lợi bất chính và việc làm giả phân bón, song giá phân bón trong tháng tới vẫn ở mức cao, do giá phân bón thế giới có xu hướng tăng. Giá thép trong nước tăng 150.000-300.000 đồng/tấn so với cuối tháng 10. Tuy nhiên, trong tuần qua giá phôi thép trên thị trường thế giới lại giảm nhẹ do nhu cầu thị trường ở mức thấp. Dự báo, nguồn cung thép trong nước vẫn ổn định, giá thép chỉ còn chịu tác động của tỷ giá USD và giá nguyên liệu. Càng gần thời điểm cuối năm giá bán lẻ đường trên thị trường càng tăng. Tại hệ thống các siêu thị, giá đường Biên Hòa ở mức 23.000 đồng/kg. Giá đường bán lẻ ở ngoài siêu thị đã lên đến 23.000-25.000 đồng/kg, cao hơn 38,9% so với giá bình ổn. Theo các chuyên gia, tháng cuối năm, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và vẫn duy trì mức cao. Trong nước, lượng nguyên liệu dự trữ khá dồi dào cộng với chính sách kiềm giá các mặt hàng của Chính phủ sẽ là hai yếu tố tác động đến giá bán các loại thức ăn chăn nuôi, khiến mặt hàng này khó có thể tăng giá đột biến vào cuối năm. Nhiều mặt hàng khác cũng có xu thế "leo thang" với nhiều nguyên nhân kể cả khách quan và chủ quan.

Kiềm chế tăng giá: Cách nào?

Để kiềm chế tốc độ tăng giá, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc điều hành công tác quản lý giá qua cân đối giá, kiểm soát, thanh tra việc đăng ký, niêm yết giá. Đặc biệt là việc bình ổn giá trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được gắn kết với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" kéo dài từ tháng 6 đến sau Tết Nguyên đán Tân Mão (năm 2011). Với chương trình này, TP Hồ Chí Minh đã chi hàng trăm tỷ đồng để tạm trữ 8 nhóm hàng hóa thiết yếu, gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ... Trong đó, tổng mức vốn thực hiện bình ổn năm 2010 là 265,7 tỷ đồng và vốn cho bình ổn thị trường Tết Tân Mão là 114,9 tỷ đồng. Số tiền này cho các DN vay, lãi suất 0% để đầu tư, dự trữ nguồn hàng. TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, hàng tham gia bình ổn thị trường của các DN phải giảm 10% so với giá thị trường, giữ giá trong suốt thời gian bình ổn và bảo đảm chất lượng, số lượng hàng. Tuy nhiên, nằm trong danh sách bán hàng bình ổn giá, nhưng không có địa chỉ; giá bán hàng cao hơn giá đăng ký… là những bất cập đang xảy ra khi triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá. Theo kết quả kiểm tra mới đây của ngành chức năng, trong 8 điểm bán hàng theo chương trình bình ổn giá ở TP Hồ Chí Minh, chỉ có 2 điểm làm đúng cam kết, 2 điểm không có địa chỉ thực, 4 điểm có tên trong danh sách của DN tham gia bình ổn, nhưng không có hàng hóa, băng rôn. Đặc biệt, còn có điểm bán hàng với giá cao hơn giá đăng ký bình ổn...

Hà Nội cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực để bình ổn giá cả hàng hóa. Từ đầu tháng 7 đã có 13 DN đủ điều kiện được TP tạm ứng hàng trăm tỷ đồng, lãi suất 0% để dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu. Đến đầu tháng 11, Hà Nội đã có gần 400 điểm bán hàng bình ổn giá tại khu vực nội thành và một số huyện, thị xã phục vụ người dân. Trong tháng 11, Hà Nội đã tổ chức "Tháng khuyến mãi" với hơn 1.000 điểm bán hàng, mức giảm giá có mặt hàng lên tới 50%, tạo cơ hội mua sắm hàng giá rẻ cho người dân và du khách. TP cũng cần yêu cầu các DN tham gia bình ổn giá đăng ký rõ số lượng, chủng loại hàng... bán bình ổn giá để người dân tiện theo dõi, giám sát.

Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tốc độ tăng giá tiêu dùng những tháng cuối năm sẽ được kiểm soát, tạo tiền đề để Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả thị trường những tháng đầu năm 2011, thời điểm có nhiều áp lực gây tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung bình ổn giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.