Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức

Thu Hằng| 13/12/2018 09:35

Cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức” của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc.


Khu tập thể cũ từng là bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhà ở của Hà Nội sau chiến tranh, là nơi có rất nhiều kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội. Theo kiến trúc sư Thanh Thủy, trưởng nhóm ký họa thì “cuộc cách mạng đô thị đang diễn ra, những khu tập thể xuống cấp rồi sẽ có ngày kết thúc sứ mệnh của nó, nhưng khi còn ở đó, chúng vẫn có giá trị riêng, làm nên một Hà Nội đặc biệt, rất đáng để trân trọng, nâng niu”. Bởi vậy, chị và các thành viên của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, bằng sự đam mê và lòng nhiệt tình, đã dành những buổi chiều cuối tuần để vẽ ký họa các khu tập thể cũ, từ khu Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên đến khu Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc, Quỳnh Mai, Bách Khoa, Ngọc Khánh…

Nhà A1 Tập thể Thành Công - Ký họa của Trần Thị Thanh Thủy


200 bức ký họa được chọn in trong cuốn sách là kết quả một năm lao động miệt mài của nhóm ký họa. Ngoài phần hình ảnh còn có cả những mảnh ghi chép ký ức của nhiều thế hệ đã từng sống và gắn bó với những khu tập thể này.

Cầu thang cũ - Ký họa của Hoàng Quốc Đạt


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một cư dân cũ ở khu tập thể Trung Tự, trong lời đề tựa ở cuốn sách đã viết: “Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ... Những người viết và vẽ về các chung cư thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn. Những trang viết thật giản dị, trung thực nhưng xúc động lạ thường. Người đọc nhận ra rất rõ ràng một điều: những người viết đang trở về nơi chốn mình đã sống trước kia bằng một con đường trong tâm khảm. Con đường của những kỷ niệm, những buồn vui, những da diết, những thương nhớ và những suy ngẫm về chính đời sống của cá nhân mình. Những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội… giờ đây lại hiện ra trong một ánh sáng khác”…

“Có một sự thiêng liêng mà mọi con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau đó là sự trở về nơi chốn mà con người từng sống cho dù nơi chốn ấy khắc nghiệt đến thế nào. Không một lời than vãn, trách móc hay chối bỏ trong toàn bộ các trang viết cho dù người viết viết về những năm tháng khó khăn và đầy thiếu thốn, không một bóng tối nào trùm lên những bức vẽ cho dù họa sỹ dùng màu sáng hay màu tối. Đấy là lẽ tự nhiên của tâm hồn vừa bản năng vừa đầy ý thức của mỗi con người khi nghĩ về ngôi nhà của mình. Cuốn sách với những hồi tưởng chân thực và xúc động cùng những bức họa thực sự tinh khiết và huyền ảo đã xác lập một giá trị vĩnh hằng về nơi chốn gọi là “nhà” của mỗi con người” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Khu tập thể Bộ Xây dựng - Ký họa của Phạm Anh Quân


Có thể nói cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức” giúp những người đã từng sống trong không gian ấy, được sống lại một lần nữa nhưng là một đời sống của những kỷ niệm ấm áp và nhớ thương.

Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm Ký họa Hà Nội và ra mắt cuốn sách vào ngày 30-12 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.