Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập tản văn "Sợi tơ nhện": Sự bền chắc của lòng nhân

Thi Thi| 06/11/2015 06:27

(HNM) -


Cuốn sách chia làm bốn phần, gồm "Khai thị", "Thiền ý", "Tử sinh" và "Một mảnh tình riêng" sau lời chia sẻ "Thay lời nói đầu" thì "viết lách, đối với tác giả, cũng chỉ là để học mà thôi. Học cả đời, học sống như thế. Với mình, với người, với cuộc đời". Cho nên không ngạc nhiên khi GS Cao Huy Thuần dẫn dắt người đọc vào một không gian rộng lớn với đủ chuyện kim cổ Đông Tây. Khi đan cài những kỳ bí, dữ dội, khi lại vô cùng gần gũi, nhưng đi xa thế nào rồi cũng quay về với những câu hỏi, câu trả lời, những dự cảm, lòng tin… vào cuộc sống con người hôm nay.

Thật vậy, từ chuyện "Sợi tơ nhện" có thể cứu một con người có khởi tâm tốt đẹp nhưng cũng có thể kiếp kiếp đọa đày một con người có khởi tâm ích kỷ; cho đến chuyện rất đời thường như "Khuyên người sắp lấy vợ" hay hóm hỉnh mà sâu xa như "Đứa con". Ở "Đứa con", tác giả kể về một anh bạn có hai thứ rất tuyệt vời là "học rất giỏi và tính nết rất tốt", nhưng bởi có thêm cái "rất" thứ ba nữa nên hỏng chuyện, đó là: "Quá hiền lành, hiền lành đến độ bạn bè có quấy phá thế nào, anh cũng vui. Phỉnh phờ gì anh cũng tin… Bạn bè thương cái hiền của anh nhưng lắm khi cũng nổi cáu vì cái hiền ấy". Câu chuyện phát triển theo hướng rất bất ngờ, khiến người đọc bật cười nhưng đan cài trong từng diễn biến, qua dẫn dắt của tác giả, lại thấy nhiều băn khoăn, triết luận về tình yêu, về sự an nhiên cần có trong cuộc sống…

Mới đây, ở Hà Nội đã diễn ra một cuộc tọa đàm về hiện tượng phát triển của tản văn trong đời sống văn học nước nhà. Trong đó, có ý kiến phân thành dạng tản văn "hướng nội" và "hướng ngoại" - nói cách khác là một dạng viết thiên về cảm xúc, một dạng thiên về lập luận. Nếu phân định rạch ròi như vậy thì khó xếp "Sợi tơ nhện" thuộc dạng nào, dòng nào bởi những bài viết của Cao Huy Thuần như một cuộc chuyện trò, đầy cảm xúc nhưng vẫn thể hiện triết lý sâu xa, khiến người đọc quay về với bản thể, nghĩ về người nhưng thật ra là ngẫm về mình. Đúng như nhà văn Bùi Văn Nam Sơn nhận định: "Sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện, tôi lại phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không một chút bứt rứt, hoang mang. Do văn tài đặc sắc của tác giả chăng? Nói thế là thừa! Hay phải chăng "lời thêu" đã thật sự thoát ra từ "lòng gấm".

"Sợi tơ nhện" đúng là tải không ít tri thức của một nhà trí thức, nhưng thật ra giá trị của nó không nằm ở đó, mà chính là ở cách chọn lọc những "mảnh" tri thức ấy, giúp nó nhuần nhuyễn với trải nghiệm riêng có của tác giả. Những trải nghiệm mang lại sự đồng cảm, tự vấn nhiều hơn là nỗ lực nhồi nhét một nhắn gửi nào đó cụ thể trong tác phẩm. Trong đó, sự tha thiết đến tận cùng ở mỗi câu chuyện đã tạo ra sự bền chắc trong "sợi tơ nhện" của lòng nhân nơi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập tản văn "Sợi tơ nhện": Sự bền chắc của lòng nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.