(HNM) - Phát huy thế mạnh về hàng xuất khẩu, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường "ngách". Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
- Thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước chuyển mình tích cực với cuộc "đổ bộ" của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Điều này tạo ra những trở ngại gì cho doanh nghiệp dệt may trong nước?
- Nhìn chung miếng bánh của thị trường dệt may Việt Nam chia ra nhiều phần, trong đó có nhiều nhân tố tham gia thị trường như nhóm doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu, các cơ sở may tư nhân, hệ thống sản xuất quần áo Việt Nam xuất khẩu, hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc, Thái Lan, hàng thiết kế… Thời gian qua, thị trường may mặc nội địa đón nhận thêm hai “ông lớn” là Zara và H&M. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Với dân số đông và GDP hằng năm tăng cao khiến thị trường nội địa ngày càng trở nên hấp dẫn với các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới.
Tất nhiên khi thị trường đón nhận nhiều nhà cung cấp mới sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, gây khó khăn cho những doanh nghiệp dệt may trong nước. Do đó, với các doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang cao cấp trong nước cũng phải dè chừng và nhất thiết phải có chiến lược tối ưu để cạnh tranh. Về mặt tích cực, xu hướng này cũng có thể là động lực buộc các công ty trong nước phải chuyển mình, sáng tạo và vận hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
- Thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã khẳng định vị trí là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm dệt may. Thế nhưng tại “sân nhà” lại chưa thực sự phát huy được thế mạnh, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Với hơn 95 triệu dân, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ may mặc khá tiềm năng, trị giá ước tính gần 9 tỷ USD. Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự mạnh trên thị trường nội địa là do các nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, trên thị trường may mặc Việt Nam có quá nhiều thị trường "ngách", trong đó hàng tiểu ngạch chiếm một phần không nhỏ. Hàng tiểu ngạch có ưu điểm là tương đối rẻ, lại đa dạng về màu sắc và mẫu mã, chủng loại nên được số đông chấp nhận. Quần áo do các công ty Việt Nam sản xuất, tuy chất lượng tốt hơn nhưng do chi phí sản xuất cao nên khó cạnh tranh về giá so với hàng tiểu ngạch. Thứ hai, để đầu tư vào hệ thống sản xuất cho tiêu dùng trong nước cần mất nhiều công sức, thời gian và nhiều vốn. Do đó khả năng thu hồi vốn không nhanh như sản xuất gia công xuất khẩu.
Vì vậy, từ góc độ kinh doanh, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp may mặc của Việt Nam vẫn mang tâm lý ngần ngại, chưa mạnh dạn đầu tư vào thị trường nội địa bởi khả năng hồi vốn chậm, có khi phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu để xây dựng thương hiệu. Thêm vào đó, các điểm yếu của doanh nghiệp dệt may trong nước là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, sản xuất quy mô còn nhỏ nên không cạnh tranh được về giá, mẫu mã…
- Theo ông, các doanh nghiệp dệt may trong nước cần làm gì để không bị lép vế trên sân nhà?
- Nếu so về tầm vóc thì thương hiệu dệt may của Việt chưa thể cạnh tranh được so với các thương hiệu có bề dày lịch sử phát triển trên thế giới. Song, chúng tôi đã và đang làm thương hiệu theo cách riêng của mình, tập trung vào nhóm các khách hàng khác nhau và cố gắng làm tốt ở phân khúc thị trường "ngách". Ví dụ, nhắc đến áo sơ mi sẽ nghĩ đến Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, nhắc đến quần áo dệt kim người tiêu dùng rất quen thuộc với các thương hiệu như Đông Xuân… Đó là thành công không thể phủ nhận của các thương hiệu dệt may thuộc các công ty con của tập đoàn.
Đối với các đơn vị ngoài tập đoàn, có những thương hiệu trong thời gian qua đã chứng tỏ thành công nhất định như nhắc tới thời trang công sở cao cấp người ta nghĩ đến Ivy, Nem, Chicland, Elise... hay đồ cho thanh thiến niên người ta nghĩ đến Boo... Tôi nghĩ các giải pháp cốt lõi mà doanh nghiệp Việt cần hướng tới đó là khách hàng của mình cần gì, muốn gì, thích gì, từ đó quyết định các khâu thiết kế, lựa chọn chất liệu, định hình giá bán. Chỉ cần xây dựng cho mình đúng thị trường "ngách", đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và tìm mọi cách để thỏa mãn đối tượng đó thì các thương hiệu sẽ thành công.
Một trong những hoạt động nổi bật của Vinatex khi triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thời gian qua là tích cực thực hiện liên kết, sử dụng sản phẩm với các tập đoàn, tổng công ty nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng để trao đổi và phân phối hàng hóa hai chiều, hướng tới một mục đích chung là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt. Cụ thể trong 3 năm qua (từ năm 2015), Vinatex đã và đang thực hiện cung ứng đồng phục cho cán bộ, nhân viên của Vietnam Airlines và các công ty con với hơn 60 nghìn sản phẩm mỗi năm. Nhiều công ty con của tập đoàn đã cung ứng đồng phục cho những đơn vị khác thuộc khối ngân hàng như: Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước...
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng thương hiệu, đa dạng chủng loại sản phẩm; mở rộng nâng cấp hệ thống kênh phân phối theo hướng kinh doanh hiện đại hơn. Thêm vào đó là đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, truyền thông, quảng bá thương hiệu cũng sẽ được quan tâm hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.