(HNM) - Vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Đoàn nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đi thực tế tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Nhà báo Hồ Quang Lợi, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy dẫn đầu Đoàn công tác. Nhân dịp này, nhà báo Hồ Quang Lợi đã chia sẻ về trách nhiệm của đội ngũ làm công tác báo chí, thông tin tuyên truyền đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
- Thưa đồng chí, ấn tượng của đồng chí về chuyến công tác tại đảo Lý Sơn cùng với các phóng viên báo chí trung ương, Hà Nội như thế nào?
- Thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức chuyến đi tìm hiểu thực tế tại huyện đảo Lý Sơn với sự tham gia của nhiều nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội, các cán bộ tuyên giáo, thông tin và truyền thông trong 5 ngày. Đây là chuyến đi rất có ý nghĩa, thể hiện Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Tổ quốc. Có mặt tại huyện đảo Lý Sơn, tôi và các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí đều rất xúc động và tự hào. Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu, có vị trí rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, đặc biệt, đây là nơi gần quần đảo Hoàng Sa nhất, chỉ cách hơn 120 hải lý. Lý Sơn là một biểu tượng sáng ngời cho ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Trải qua các triều đại phong kiến, Lý Sơn có Đội hùng binh, Hải đội Hoàng Sa, nơi cha ông chúng ta đã khai thác, khẳng định chủ quyền trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình.
Trong mấy ngày vừa qua, các thành viên đoàn công tác đã gặp gỡ nhiều cán bộ, nhân dân huyện đảo, từ người dân đang sản xuất trên bờ đến ngư dân bám biển và đều cảm nhận rõ quyết tâm, trăm người như một trong bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Chắc chắn quyết tâm đó sẽ được phản ánh trong các tác phẩm báo chí của các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội, góp sức vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
- Điều gì gây ấn tượng nhất đối với đồng chí trong chuyến công tác này?
- Có một câu chuyện làm tôi rất xúc động: Trên con tàu trở về đất liền, tình cờ các nhà báo được gặp ngư dân Phạm Quốc Dũng (sinh năm 1972, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, thuyền viên tàu QNg-96011 TS) bị thương khá nặng phải đưa vào bờ cấp cứu do tàu của ông bị tàu lạ đâm va rất mạnh, suýt bị chìm trong đêm 16-4. Ngay lập tức, các nhà báo đã quyên góp được hơn 13 triệu đồng hỗ trợ người ngư dân quả cảm. Trước đó, con tàu này đã bị đâm va hai lần, bản thân ông Dũng bị thương lần này là lần thứ hai khi tham gia đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Nằm trên cáng, sức khỏe rất yếu, nhưng ông Dũng vẫn cố gắng trả lời các câu hỏi của các nhà báo và vẫn khẳng định quyết tâm bám biển.
- Đoàn công tác đã làm lễ chào cờ tại cột cờ Lý Sơn trên đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải) - ngọn núi cao nhất của huyện đảo Lý Sơn. Khi đứng dưới cờ, đồng chí có cảm xúc như thế nào?
- Tôi đã được dự nhiều lễ chào cờ đặc biệt, nhưng tại đỉnh cao của đảo Lý Sơn, nơi có cột cờ Tổ quốc, nhìn ra Biển Đông, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi cùng nhìn lên cờ Tổ quốc, cùng hát Quốc ca, lòng tôi trào dâng niềm xúc động về tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc. Tôi tin chắc rằng các thành viên trong đoàn công tác cũng có chung cảm xúc với tôi, cảm nhận sâu sắc hơn hai chữ "Tổ quốc" linh thiêng trong trái tim mình, từ đó cố gắng nhiều hơn nữa để cùng góp sức bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo quê hương.
- Đề nghị đồng chí cho biết những đánh giá của mình về công tác tuyên truyền bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo, nhất là tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa của báo chí Hà Nội?
- Thời gian qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí Thủ đô đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng ta tuyên truyền để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa, Trường Sa; tuyên truyền về các hoạt động của quân và dân ta ở Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước; tuyên truyền để thấy được chính sách giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành để mỗi người dân hiểu và ủng hộ bằng những hành động đúng đắn, thiết thực; tuyên truyền để làm sáng rõ chính nghĩa của Việt Nam mà dư luận quốc tế hiện nay đang ủng hộ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam chúng ta. Những đóng góp đó đã góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy lùi những mưu đồ xâm chiếm vùng biển đảo thuộc quyền chủ quyền của nước ta.
- Vậy, trong thời gian tới, báo chí Thủ đô sẽ tiếp tục tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo như thế nào, thưa nhà báo?
- Tôi nghĩ, tình hình Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp và căng thẳng. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền cần nỗ lực hơn nữa. Chúng ta cần tiếp tục tổ chức nhiều hơn những chuyến đi đến các vùng biển đảo quê hương mà chuyến đi đảo Lý Sơn là một ví dụ sinh động. Các nhà báo của chúng ta cần tận dụng cơ hội, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử… Làm sao để thể hiện được một thế trận vững chắc, khẳng định chính nghĩa của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; tuyên truyền sâu sắc đến từng người dân rằng Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Việt Nam. Qua đó cho thấy quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam trong bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo của đất nước.
- Đồng chí có nhiều năm đến với biển đảo và tuyên truyền về biển đảo. Cảm nhận của đồng chí về những đổi thay trong đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân so với trước đây?
- Tôi có nhiều năm công tác với tư cách là phóng viên, được đi đến nhiều vùng miền của Tổ quốc. Cách đây 21 năm tôi đã đến Trường Sa. Vào thời điểm đó, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta ở Trường Sa còn rất khó khăn. Những năm gần đây, tình hình đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa, các vùng biển đảo quê hương và ngay tại huyện đảo Lý Sơn đây đã được cải thiện rất nhiều. Đến Lý Sơn, tôi rất vui khi thấy sự phát triển mạnh mẽ của huyện đảo. Lý Sơn mới hòa vào mạng lưới điện quốc gia chỉ mấy tháng nhưng đảo đã có những đổi thay rõ rệt. Không phải chỉ riêng Lý Sơn mà các đảo khác, kể cả Trường Sa cũng như vậy, có rất nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tôi cảm thấy các vùng biển đảo cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư, giúp đỡ một cách thiết thực, cơ bản, đồng bộ và toàn diện hơn nữa để thế trận bảo vệ độc lập chủ quyền ở các vùng biển đảo quê hương của chúng ta ngày càng vững chắc hơn.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.