(HNM) - Nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số là mục tiêu TP Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện. Cùng với các chủ trương của Thành ủy Hà Nội và việc UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư nhằm tạo sức bật cho vùng núi phát triển, thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng và khu vực đô thị.
TP Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách để nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Bảo Lâm |
Lấp khoảng cách phát triển
TP Hà Nội có trên 68.000 nhân khẩu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tập trung tại 14 xã, thuộc 5 huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ và Mỹ Đức. So với mặt bằng chung, đời sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa... còn thiếu thốn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải phản ánh, 7 xã miền núi của huyện, gồm 77 thôn nhưng mới có 41 nhà văn hóa. Còn theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạch Thất Phí Văn Hưng, công tác quy hoạch vùng sản xuất ở các xã miền núi của huyện vẫn chậm. Sự liên kết, hợp tác giữa cơ sở và các hộ gia đình trong sản xuất, kinh doanh chưa cao. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá ở phạm vi rộng, theo Phó Chủ UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn khá cao. Kết cấu hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi... Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số có nơi đang bị mai một. Hiện vẫn còn 2 xã Ba Vì (Ba Vì), An Phú (Mỹ Đức) và 17 thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, ngoài mục tiêu thực hiện hiệu quả Chương trình 134 và 135 của Chính phủ, những năm qua thành phố đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn… giúp vùng DTTS, miền núi phát triển. Trong giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi Thủ đô Hà Nội, và theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh, ngay trong năm 2011-2012, thành phố đã đầu tư 246 tỷ đồng triển khai 40 công trình, tiếp đó giai đoạn 2012-2015 là hơn 1.276 tỷ đồng xây dựng 202 công trình. Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận hỗ trợ đầu tư 46 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực Hà Nội triển khai 5 dự án nâng cấp điện, tổng kinh phí 101 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại huyện Thạch Thất, Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Nguyên cho biết, hơn 424 tỷ đồng đã được thành phố “rót” về để xây dựng cơ sở hạ tầng tại 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Ước tính, kinh phí đầu tư trong 5 năm qua đã bằng tổng số kinh phí đầu tư của 30 năm trước đó. Bà Bùi Thị Ngọc, ở xã Tiến Xuân (Thạch Thất) chia sẻ: “Chúng tôi không còn phải đi hàng chục cây số lên bệnh viện huyện để khám, chữa bệnh nữa, vì đã có trạm y tế xã. Ngoài ra, hằng năm, Ban Dân tộc thành phố còn tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho bà con”.
Có thể nói, mức đầu tư của thành phố cho các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi trên mọi lĩnh vực đều tăng. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS miền núi thay đổi rõ rệt. Ông Lý Sinh Tuấn, ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), phấn khởi cho biết: “Điện về đến từng nhà, đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Đường rộng, xe ô tô có thể vào đến tận thôn”.
Trước sự quan tâm của Trung ương và thành phố, đồng bào các DTTS đã nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, phát huy bản sắc, hòa nhịp với toàn thành phố. Có thể kể đến những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học tiến bộ đầy triển vọng tại xã Yên Trung (Thạch Thất), xã Phú Mãn (Quốc Oai), các xã ở huyện Ba Vì...
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để phát triển bền vững
Đồng bào người Dao tại Ba Vì chế biến thuốc Nam. Ảnh: Viết Thành |
Ngay sau Đại hội lần thứ XVI, Đảng bộ TP Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề đầu tư cho vùng miền núi. Tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Văn bản số 296 - CV/TU ngày 5-7-2016 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô. Cụ thể hóa các văn bản này, ngày 15-7-2016, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 138/KH-UBND về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, sau khi Kế hoạch 138 được ban hành, thành phố giao cho Ban Dân tộc chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức được chính sách của Đảng, nhà nước đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hà Nội tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Trước hết, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình, dự án phát triển sản xuất, công trình dân sinh bức xúc, sau đó hỗ trợ sản xuất để đồng bào vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Đến nay, 100% xã vùng DTTS, miền núi của Hà Nội đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 62,5% trường đạt chuẩn quốc gia; 14/14 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động, sóng truyền hình. Đặc biệt, thành phố chỉ đạo các huyện phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, thành phố chú trọng thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề. Đi đôi với đó là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS.
Hà Nội phấn đấu, giảm hộ nghèo khu vực này giai đoạn 2016-2020 còn dưới 1,8%, 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% thôn, xã có nhà văn hóa; đến hết năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn… Tiếp tục ưu tiên nguồn lực và tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, miền núi ở Thủ đô để sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.