(HNM) - Hiện nay, người dân đang rất quan tâm đến Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Với tiến độ triển khai như hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ “về đích” đúng hẹn, từng bước xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân...
Một trong những nội dung của Luật Cư trú 2020 nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Công dân khi muốn đăng ký thường trú vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không còn bị phân biệt về điều kiện.
Theo anh Nguyễn Minh Hùng (quê ở tỉnh Yên Bái), đang trú ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), quy định này đã tạo sự bình đẳng, bảo đảm quyền tự do cư trú và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú, dù có chỗ ở hợp pháp. Kéo theo đó, thủ tục xin học cho con cũng đơn giản hơn rất nhiều vì lâu nay các trường học luôn ưu tiên đón nhận các cháu có hộ khẩu thường trú tại địa bàn rồi mới xem xét đến nhóm có hộ khẩu tạm trú.
Cụ thể, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó; khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại... thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình.
Một điểm mới đáng lưu ý, Luật quy định rõ, công dân đến sinh sống tại chỗ ở ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú. Thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
Luật cũng quy định, thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú phải có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới và thông báo cho người đăng ký về việc này. Để xóa bỏ tối đa các thủ tục hành chính còn rườm rà, Luật Cư trú 2020 cũng thay thế việc đăng ký, quản lý nhân khẩu từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin, cụ thể là quản lý bằng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, đổi mới phương thức quản lý cư trú mới sẽ giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự.
Được biết, Bộ Công an sẽ triển khai, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 1-7-2021, thời điểm Luật Cư trú 2020 có hiệu lực. Hiện nay, tất cả lực lượng cảnh sát khu vực đang tập trung đến từng gia đình, thu thập, hoàn thiện, hướng dẫn khai báo, đối chiếu rà soát thông tin về dân cư. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, thì thông tin đó có thể thay thế tất cả các giấy tờ có liên quan, các cơ quan có trách nhiệm sẽ được cung cấp các thiết bị đầu - cuối để truy cập vào cơ sở dữ liệu này. “Công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục liên quan đến cư trú. Nếu như hiện nay, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo Luật mới ban hành tối đa là 7 ngày nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Việc đăng ký thường trú thống nhất trên toàn quốc”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định.
Để luật đi vào đời sống, bên cạnh việc chuẩn bị tốt cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, từ nay đến ngày 1-7-2021, Bộ Công an sẽ tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân hiểu và thực hiện các quy định của Luật Cư trú 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.