Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sinh kế để thoát nghèo bền vững

Dung - Dương| 18/10/2022 06:14

(HNM) - Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, trao cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn những chiếc “cần câu” như cho vay vốn ưu đãi, sử dụng Quỹ Vì người nghèo... từ đó tạo sinh kế bền vững. Việc làm ý nghĩa này đã, đang giúp nhiều gia đình trên địa bàn Thủ đô bước ra khỏi cuộc sống nghèo, cận nghèo, tiếp sức cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm và Hội Nông dân huyện Gia Lâm trao tặng bò sinh sản cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lệ Chi. Ảnh: Hoàng Anh

Vượt khó vươn lên trong cuộc sống

Trường hợp phải kể đến đầu tiên là gia đình bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1975) ở ngõ 12 Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Là hộ cận nghèo của phường Nhân Chính, bản thân chị Xuân sức khỏe yếu, lại phải nuôi con trai ăn học, hai mẹ con chị sống trong một căn phòng hơn 10m2. Tháng 7-2022, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị Xuân 125 triệu đồng để sửa nhà; mua một xe máy cho con trai chị Xuân là cháu Nguyễn Anh Tú (sinh năm 2000) để làm nhân viên giao hàng cho một siêu thị gần nhà. "Từ khi được giúp đỡ, gia đình tôi đã ổn định cuộc sống, cháu Tú cũng có thu nhập để hỗ trợ gia đình", chị Xuân chia sẻ.

Thuộc diện khó khăn của xã Phú Thị (huyện Gia Lâm), gia đình chị Đặng Thị Dục ở thôn Hàn Lạc, được vay vốn ưu đãi với số tiền 100 triệu đồng để mở cửa hàng bán đồ ăn từ năm 2019. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, đến nay, chị đã trả được 50% số vốn, cuộc sống khá hơn trước và được UBND huyện Gia Lâm tặng Giấy khen Hộ thoát nghèo tiêu biểu năm 2022.

Còn anh Phùng Văn Thanh, hộ cận nghèo ở thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) đã được vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách từ năm 2020 để trồng cây ăn quả. Anh Thanh đã đầu tư trồng bưởi, ổi, thu nhập mang lại hơn 80 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, sau gần 2 năm, gia đình anh Thanh đã hoàn trả 100% vốn và vươn lên thoát cận nghèo, cuộc sống gia đình ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang hơn.

Hiện thành phố Hà Nội có nhiều hình thức tạo sinh kế, giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, cho vay vốn ưu đãi, sử dụng Quỹ Vì người nghèo để sửa nhà, mua thiết bị, phương tiện xe máy… được ví như những chiếc “cần câu” giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Đa dạng cách thức hỗ trợ

Quận Thanh Xuân hiện còn 32 hộ cận nghèo với 85 nhân khẩu. Quận thường xuyên tổ chức khảo sát, điều tra, phân tích số liệu liên quan đến hộ cận nghèo như nhu cầu học nghề, vốn để giúp họ có công việc, thu nhập ổn định. Còn tại huyện Gia Lâm, từ năm 2021 đến nay, mỗi Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã, thị trấn giúp đỡ ít nhất 5 hộ cận nghèo và khó khăn nâng cao mức sống; mở các lớp dạy nghề ngắn hạn và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động là con em cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, trao tặng phương tiện, công cụ sản xuất cho một số hội viên phụ nữ thuộc hộ cận nghèo trị giá 78 triệu đồng…

Về việc giúp các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, trong 20 năm qua, hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách của Hà Nội đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42.538 tỷ đồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Nguyễn Thanh Hương cho biết, đến nay có 4.167 hộ là hội viên phụ nữ được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số dư nợ 207,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Phong thông tin, mạng lưới hơn 60 hội cơ sở tham gia nhận nhiệm vụ ủy thác đang quản lý 274 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, có 10.252 hộ dân được vay vốn với số tiền gần 460 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho hay, hiện Hoài Đức không có hộ nghèo và còn gần 1.000 hộ cận nghèo. Huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Qua đó góp phần giúp cho trên 243.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 814.000 lao động, giúp cho gần 147.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 746.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo... Đây chính là những chiếc “cần câu” tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, tiến tới mục tiêu Hà Nội không còn những hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế để thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.