(HNM) - Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống nhân loại và đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là một lời cảnh báo. Lũ lụt, hạn hán, lở đất… sẵn sàng hiện hữu ở bất cứ nơi đâu
Đây không chỉ là một lời cảnh báo. Lũ lụt, hạn hán, lở đất… sẵn sàng hiện hữu ở bất cứ nơi đâu. Trong khi đó, những giải pháp trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều nếu không muốn nói là quá nhiều bất cập. Làm thế nào để phát huy vai trò của cộng đồng, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số vào bảo vệ, phát triển rừng vẫn là câu hỏi lớn. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Nguyễn Phi Truyền.
Ông Nguyễn Phi Truyền - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì. |
Giữ “lá phổi xanh”
- Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh, giá trị văn hóa, Vườn quốc gia Ba Vì còn là “lá phổi xanh” của Hà Nội, thực trạng của “lá phổi” ấy như thế nào?
- Sau điều chỉnh, diện tích Vườn quốc gia Ba Vì còn gần 10.000ha, chủ yếu nằm trên địa bàn TP Hà Nội và một phần của tỉnh Hòa Bình. Vườn chia làm 3 phân khu, gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ. So với các Vườn quốc gia Ba Bể (Cao Bằng), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Cát Tiên (Đồng Nai), Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn quốc gia Ba Vì diện tích không lớn nhưng giá trị rất cao, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm trong Sách đỏ của Việt Nam. Thảm thực vật Vườn quốc gia Ba Vì được ví như bộ khung chính của một hệ sinh thái trên cạn. Cùng với đó, Vườn quốc gia Ba Vì có tiểu khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều địa chỉ văn hóa tâm linh, có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục lại cách khu vực trung tâm Hà Nội không xa nên từ lâu đã trở thành nơi du lịch nghỉ mát lý tưởng… Có thể nói, đây là một không gian văn hóa, không gian nghiên cứu, bảo tồn; đồng thời có giá trị như một lá phổi của Hà Nội.
- Như ông nói, thảm thực vật Vườn quốc gia Ba Vì được ví như bộ khung chính của một hệ sinh thái trên cạn, lại có vị trí hết sức “nhạy cảm”, vậy bảo tồn đa dạng sinh học ở đây như thế nào?
- Không thể phát triển xôi đỗ như các rừng quốc gia khác, với Vườn quốc gia Ba Vì, nhiệm vụ bảo tồn chỉ thành công khi các nghiên cứu về thảm thực vật được thực hiện đầy đủ và chi tiết. Ngoài sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên, chúng tôi đã sưu tầm và xây dựng được 40ha vườn thực vật với 250 loài cây gỗ, 10ha vườn cây mẫu với 1.300 loài cây, vườn xương rồng 1.200 giống, vườn cau dừa 70 loài, vườn tre trúc 117 loài. Trong công tác bảo tồn, chúng tôi tiến hành trồng một số rừng sưu tập. Đồng thời cải tạo cảnh quan, làm một số đường mòn theo quy hoạch vừa phục vụ công tác bảo vệ rừng, vừa phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Mỗi năm, Vườn quốc gia Ba Vì đón hàng nghìn du khách, hàng trăm sinh viên các trường đại học, cơ quan, đơn vị, tổ chức quốc tế đến nghiên cứu thực nghiệm.
- Việc phát triển kinh tế rừng thì thế nào, thưa ông? Chúng ta đều biết bảo đảm được đời sống cho người dân trong khu vực là giải pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn việc phá rừng?
- Phương châm của chúng tôi là chuyển mạnh từ việc tập trung đạt độ che phủ rừng ngày càng cao sang việc nâng cao chất lượng rừng, nâng cao giá trị kinh tế của rừng. Phát triển rừng không chỉ nhằm cải thiện môi trường mà phải đem lại thu nhập cao cho những người làm nghề rừng. Thời gian qua, TP Hà Nội, huyện Ba Vì cũng dành khá nhiều nguồn lực đầu tư điện, đường, trường, trạm, nước sạch nên đời sống người dân trong khu vực, đặc biệt là xã Ba Vì đã đổi thay rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Có thể nói, với sự quan tâm của TP Hà Nội và huyện Ba Vì cùng với sự nỗ lực của Vườn quốc gia Ba Vì, công tác bảo vệ rừng đã có những thành công đáng ghi nhận. Năm ngoái có 6 vụ vi phạm bảo vệ rừng, năm nay chỉ có 2 vụ. Số vụ vi phạm ở rừng Vườn quốc gia Ba Vì rất ít so với hầu hết các vườn quốc gia trong cả nước, mức độ thiệt hại do vi phạm gây ra nhỏ. Ở Ba Vì không có tình trạng chặt phá rừng.
Sinh kế cho người dân
- Đồng bào dân tộc thiểu số dựa vào rừng để sống, gắn bó với rừng nên họ rất hiểu rừng. Vậy, chúng ta phải làm gì để bảo đảm sinh kế cho người dân?
- Như tôi đã nói, Vườn quốc gia Ba Vì có vai trò đặc biệt quan trọng với Hà Nội, do vậy với chúng tôi, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Bảo vệ rừng là sự phối hợp đồng bộ của hàng loạt giải pháp. Đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì có truyền thống làm thuốc Nam và gắn bó mật thiết với rừng. Ngoài việc trồng mốc lấy măng, người dân lên rừng hái cây thuốc. Tôi được biết, Việt Nam nhập khẩu tới 80% nguyên liệu thuốc Nam. Trong khi Vườn quốc gia Ba Vì có 503 loài cây có giá trị làm thuốc quý hiếm. Nếu phát triển cây thuốc sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu dược liệu mà còn có thể nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào. Do vậy, Vườn đã quy hoạch thí điểm trồng 40ha cây thuốc Nam dưới tán rừng. Nếu phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế mới tiến hành nhân rộng.
- Vậy, việc mở rộng diện tích đất trồng cây thuốc Nam có làm co hẹp diện tích rừng và đe dọa sự tồn tại của các loài thực vật khác?
- Đồng bào cần những loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây nông nghiệp như ngô, sắn… Cây thuốc là một hướng phát triển và chúng tôi trồng cây thuốc dưới tán rừng. Thực tế, việc trồng cây thuốc Nam không đe dọa đến sự tồn tại của loài thực vật quý hiếm, đặc hữu. Chúng tôi đã cùng với địa phương khảo sát thực địa, chỗ nào rừng quá rậm, không phù hợp với cây thuốc thì giữ nguyên. Trên các nương rẫy của người dân hoặc ở nơi rừng thưa có thể khoanh lại, quy hoạch trồng cây thuốc Nam. Theo chủ quan của tôi, trồng cây thuốc Nam vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, vừa giữ được màu xanh cây rừng.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về Dự án trồng cây thuốc Nam và những vấn đề liên quan đến sinh kế cho người dân?
- Chúng ta trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, để ứng phó với biến đổi khí hậu… nhưng nếu không nâng cao được thu nhập cho người dân sống trong khu vực rừng thì sẽ rất khó giữ rừng. Ba năm qua, Vườn đã có chương trình giúp dân trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, chanh đào trên đất vườn rừng, trước đây trồng nhãn muộn, xoài, những cây trồng sớm nay đã cho thu hoạch… Tôi luôn nghĩ đến việc phải trồng cây gì đó ở dưới tán rừng có thể đem lại hiệu quả cao nhất. Thí dụ, một héc ta sau khi trừ chi phí đầu tư người dân lãi được 20 triệu đồng/năm, bây giờ trồng loại cây khác mang lại hơn 20 triệu đồng/năm, chắc chắn sẽ thành công. Đầu tiên có thể chọn 5-10 hộ trồng thử, thấy rõ hiệu quả, tự khắc người dân sẽ làm theo và chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp. Như vậy sẽ đem lại thu nhập bền vững cho người dân.
Phát triển kinh tế vùng đệm
- Rừng là nguồn sống, là kho tài nguyên vô tận. Có thể nói bảo vệ rừng là cả một câu chuyện?
- Thực tế nhận thức của người dân bây giờ khá cao, đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì không lên rừng chặt cây nữa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tập quán chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông tàn phá các loài cây tái sinh. Ở vài địa phương còn tình trạng lên nương làm rẫy và trồng cây nông nghiệp lấn đất rừng. Có thời điểm chúng tôi trồng rừng người dân ra cản trở, thậm chí nhổ cây rừng vừa mới trồng. Vốn đổ vào trồng rừng bị treo vì đầu tư rồi nhưng chưa nghiệm thu thanh toán được. Thực trạng này chủ yếu xảy ra ở khu vực rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi phải mời công an, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để xử lý.
- Thực trạng này có phải do công tác tuyên truyền chưa tốt hay do trình độ dân trí?
- Có thể nói, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đệm có vai trò quan trọng, Vườn quốc gia Ba Vì đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng với nhiều hình thức như tổ chức sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, tổ chức các buổi giảng ngoại khóa cho học sinh trung học cơ sở, tiểu học, tổ chức hoạt động hè cho các cháu thanh, thiếu niên… Vào dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hay khai giảng năm học mới, Vườn quốc gia Ba Vì đã tặng nhiều suất quà và hỗ trợ kinh phí qua quỹ khuyến học của địa phương (mỗi năm khoảng 100 triệu đồng). Cùng với đó, thành lập các cụm liên kết và tổ đội bảo vệ rừng nắm vững hiện trạng tài nguyên rừng, ngăn chặn kịp thời các vụ việc xâm phạm tài nguyên rừng. Cụm liên kết bao gồm 16 xã vùng đệm, 4 đơn vị quân đội và 18 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác quản lý và phòng cháy chữa cháy rừng… Tuy nhiên, để đồng bào dân tộc thay đổi quan niệm, tập tục là cả vấn đề. Chưa từ bỏ được những quan niệm, tập tục không còn phù hợp với đời sống thực tế, cái nghèo còn đeo bám đồng bào và công tác bảo vệ rừng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
- Trong hàng loạt vấn đề về quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, bên cạnh việc hoàn thiện khung thể chế, tăng cường năng lực… với Vườn quốc gia Ba Vì còn điều gì khiến ông phải suy nghĩ?
- Về ranh giới rừng không có gì vướng mắc nữa, hiện nay Vườn quốc gia Ba Vì đang xác định ranh giới để quản lý tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn việc một số kiến nghị lên các cấp yêu cầu trả lại diện tích đất tự nhiên từ cốt 400 trở xuống để làm rừng, sản xuất kết hợp với sản xuất nông nghiệp và giao cho hộ dân tại địa phương. Thực tế, những kiến nghị của nhân dân là chính đáng, song có thực tế là những năm trước, Vườn thực hiện giao khoán nhưng nhiều người dân địa phương không nhận, vì vậy đã giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân có nhu cầu, thời gian là 50 năm theo đúng quy định của Nhà nước. Giờ đây, người dân nêu thắc mắc, rất khó giải quyết. Cốt lõi ở đây theo tôi chính là vấn đề sinh kế của người dân và để giải quyết cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, về phía Vườn quốc gia Ba Vì có trách nhiệm nhưng chỉ ở một mức độ nhất định chứ không thể đảm nhận hoàn toàn.
- Để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và giải quyết sinh kế cho người dân vùng đệm, theo ông cần những giải pháp nào?
- Sự phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng của 3 yếu tố chính là: Môi trường bền vững, kinh tế bền vững và xã hội bền vững. Các yếu tố này có mối liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Thời gian tới, để phát huy được hiệu quả trong công tác giao đất, giao rừng, khu vực có người dân canh tác, Vườn phối hợp với các đơn vị chọn các giống cây phù hợp với đặc trưng của từng khu vực, từng địa hình và việc phát triển cây rừng mới cần có lộ trình cụ thể. Vườn sẽ làm rõ các vướng mắc về ranh giới trên thực tế giữa diện tích Vườn quốc gia Ba Vì với diện tích sản xuất của địa phương và cắm mốc để mọi người dân đều biết. Vườn sẽ phối hợp tích cực với TP Hà Nội và huyện Ba Vì thực hiện có hiệu quả đề án phát triển các cây trồng cho giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và phát huy được kinh nghiệm canh tác truyền thống như các cây dược liệu, cây gỗ quý…
Bên cạnh các giải pháp như tập trung nâng cao đời sống cộng đồng, trong đó ưu tiêu bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện khung thể chế, tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn phát triển rừng… việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi rừng là tài nguyên vô giá cho thế hệ mai sau. Tôi mong rằng TP Hà Nội tăng cường chỉ đạo hơn nữa trong công tác phối hợp bảo vệ rừng; có chương trình, nguồn kinh phí có thể thông qua Vườn để thực hiện phát triển kinh tế vùng đệm hoặc trực tiếp giao cho UBND huyện Ba Vì và các cơ quan của thành phố làm chủ đầu tư để phát triển kinh tế vùng đệm, qua đó sẽ giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Ba Vì.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.