Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo ra sự đồng thuận trong mọi lĩnh vực của thành phố

27/12/2016 07:05

Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và đã dành rất nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này. Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Là những người làm công tác dân vận, chúng ta hiểu hơn ai hết về những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra đối với Thủ đô và đất nước trong năm 2017 - năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Bên cạnh việc thực hiện tốt 5 yêu cầu nêu trên, tôi đề nghị Ban Dân vận Thành ủy và đội ngũ cán bộ dân vận Thủ đô tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, 8 chương trình công tác của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của thành phố nhiệm kỳ 2015-2020; Luật Thủ đô, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chủ đề “Năm kỷ cương hành chính 2017” và các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Thách thức lớn nhất của công tác dân vận là làm sao tạo ra sự đồng thuận trong mọi lĩnh vực của thành phố. Muốn vậy phải làm tốt công tác nắm tình hình nhân dân. Với Hà Nội, công tác dân vận càng khó hơn vì đối tượng khác nhau, trình độ đa dạng. Cán bộ dân vận phải thường xuyên trau dồi, nâng cao năng lực, đáp ứng trình độ để làm tốt hơn công tác dân vận, phối hợp tốt, dự báo được tình hình, giải quyết thực sự những bức xúc của người dân...

Hai là, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực của công tác dân vận. Trọng tâm là, thực hiện tốt Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 15-7-2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, ngày 25-2-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; các Chỉ thị, Thông tri của Thành ủy về công tác dân vận; Quyết định số 6525-QĐ/TU, ngày 25-9-2015 của Thành ủy “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Ba là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng, của chính quyền và lực lượng vũ trang, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; nhân rộng những điển hình làm tốt về công tác dân vận. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho Ngành Dân vận tốt hơn, đóng góp nhiều hơn. Mục tiêu của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay là phải thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng…, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Muốn vậy, trước hết cần tập trung củng cố kỷ cương hành chính của Thủ đô, hướng tới nền hành chính phục vụ và hiệu quả. Trước hết là, nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống văn hóa tại công sở, các địa điểm công cộng, nơi cư trú của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố. Thực hiện tốt Quy định số 55-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Thông qua vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo sự lan tỏa, từng bước nâng cao kỷ cương trong toàn xã hội.

Bốn là, phát huy vai trò của Ban Dân vận các cấp trong việc tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp của cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức tốt các hình thức để đoàn viên, hội viên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là trên các lĩnh vực công tác còn nhiều hạn chế, yếu kém của thành phố, đang được dư luận và nhân dân đặc biệt quan tâm...

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới theo Kết luận số 08-KL/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng cốt cán trong tôn giáo”, Chỉ thị số 49-CT/TƯ và Thông tri số 05-TT/TU của Thành ủy về tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả công tác nắm dư luận xã hội và dự báo tình hình, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, giải quyết tốt những vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh liên quan đến tôn giáo trên địa bàn Thủ đô.

Sáu là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận vững mạnh về cả số lượng và chất lượng. Quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là âm mưu “diễn biến hòa bình”. Nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn; đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ xử lý công việc trên thực tế đối với đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang.

Thực hiện tốt khẩu hiệu và phương châm công tác vận động quần chúng: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát". Thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo ra sự đồng thuận trong mọi lĩnh vực của thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.