Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra phôi thai chứa gen của 1 đàn ông và 2 phụ nữ thông qua một kỹ thuật mới, được cho là ngày nào đó có thể giúp các thai nhi tránh mắc những căn bệnh di truyền hiếm gặp và vô phương cứu chữa.
Hãng thông tấn AP đưa tin, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y và Khoa học Oregon (Mỹ) khẳng định họ hiện không sử dụng các phôi thai nhân tạo trên để cho ra đời những đứa trẻ. Nhóm nghiên cứu cũng không nói rõ khi nào hay thậm chí liệu phương pháp này có được ứng dụng vào thực tiễn trong tương lai hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về các nguy cơ cũng như những khía cạnh đạo đức của nó tại Anh, nơi các nhà khoa học từng có công trình tương tự cách đây vài năm.
Các cuộc thử nghiệm của Anh vòa năm 2008 đã dẫn tới những tựa đề báo gây sốc về khả năng xuất hiện những đứa trẻ là con của 3 người cha, mẹ một ngày nào đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định thổi phồng. ADN của người phụ nữ thứ 2 chỉ chiếm tổng cộng không đầy 1% gen của phôi thai, nên không có khả năng ảnh hưởng quá lớn đến đứa trẻ. Phương pháp này đơn giản chỉ là một cách thay thế một số gen lỗi, vốn phá hoại hoạt động bình thường của các tế bào.
Chính phủ Anh đang trưng cầu dân ý về kỹ thuật trên trước khi quyết định có nên cho phép ứng dụng nó trong tương lai hay không. Một quan ngại mà nhà chức trách Anh nhắc tới là, việc thay đổi ADN có thể là bước đầu tiên cho sự ra đời của "những đứa trẻ thiết kế theo khuôn mẫu", sở hữu những đặc điểm thể chất theo đơn đặt hàng trước.
Các hoài nghi cũng tăng lên, xét về độ an toàn của kỹ thuật, không chỉ đối với đứa trẻ ra đời từ phôi thai nhân tạo mà còn cả đối với hậu duệ của nó.
Hồi tháng 6 vừa qua, một nhóm luân lý học sinh vật có ảnh hưởng ở Anh đã kết luận rằng, kỹ thuật tạo phôi mới có thể đủ tiêu chuẩn về đạo đức để ứng dụng trong thực tế nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Trước đó, một hội đồng chuyên gia ở Anh từng tuyên bố năm 2011 rằng, không có bằng chứng về việc phương pháp này không an toàn nhưng họ kêu gọi cần nghiên cứu kỹ hơn về nó.
Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học thông báo, những thử nghiệm về tạo phôi từ gen của 3 cá thể bố, mẹ đã cho ra đời nhiều khỉ con khỏe mạnh và thử nghiệm ở phôi thai người cũng cho thấy những kết quả đáng khích lệ.
Theo thông báo mới nhất của các nhà khoa học Oregon, họ đã tạo ra khoảng hơn 12 phôi thai người ở giai đoạn đầu và phát hiện, kỹ thuật này rất hiệu quả trong việc thay thế ADN. Tuy nhiên, các gen mà họ muốn thay thế không phải được tìm thấy trong nhân của tế bào và ảnh hưởng tới các đặc điểm thể chất như màu mắt và chiều cao. Thay vào đó, các gen thay thế nằm ngoài nhân tế bào, trong một cấu trúc sản sinh năng lượng có tên gọi l mitochondria. Những gen này chỉ di truyền từ mẹ, chứ không phải từ bố.
Các thống kê hiện giờ cho thấy, cứ 5.000 trẻ em thì có 1 em thừa hưởng một căn bệnh do gen mitochondria bị lỗi gây ra. Các khiếm khuyết về gen như vậy có thể dẫn tới những bệnh hiếm gặp với hàng loạt triệu chứng như đột quỵ, động kinh, mất trí, mù, điếc, suy thận và bệnh tim.
Kỹ thuật mới, nếu được phê chuẩn sử dụng, sẽ cho phép một phụ nữ sinh con thừa hưởng các nhân ADN của cô nhưng mitochondrial ADN của một phụ nữ khác hiến tặng. "Đây có thể là phương pháp tốt nhất để chống lại các căn bệnh di truyền nan y do lỗi gen mitochondria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.