(HNM) - Hiện nay chất lượng lao động nông thôn (LĐNT) còn thấp, có nơi rất thấp. Giải được bài toán dạy nghề cho LĐNT là điểm mấu chốt để các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó cũng là những vấn đề mà Bộ NN&PTNT đang nỗ lực tìm giải pháp.
Thực hành nghề tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Đức Nghiêm |
1.000 tỷ đồng đào tạo nghề LĐNT
Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, năm 2010, năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 300 nghìn LĐNT, trong đó khoảng 40% là các lớp dạy nghề NN. Điểm đáng lưu ý là Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng xong danh mục các nghề NN trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT. Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2010, bộ và các bộ, ngành liên quan đã lựa chọn danh mục 25 nghề NN trình độ sơ cấp nghề để xây dựng chương trình, tài liệu, đồng thời thành lập ban chủ nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện cho 25 chương trình đó và danh mục 16 nghề để chỉnh sửa. Trong năm 2010, đã thành lập 41 hội đồng nghiệm thu chương trình, giáo trình dạy nghề NN. Theo Bộ NN&PTNT, hiện các ban chủ nhiệm đang tiến hành xây dựng tài liệu theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH về ban hành chương trình, tài liệu trình độ sơ cấp nghề. Dự kiến sẽ nghiệm thu, phân tích nghề vào tháng 2-2011; nghiệm thu chương trình dạy nghề vào tháng 3-2011 và giáo trình dạy nghề vào tháng 4-2011.
Đối với đề án cấp thẻ học nghề NN, đến nay đã có 62 đơn vị thuộc 20 tỉnh, thành phố đăng ký đào tạo 85 nghề với 638 lớp cho 12.885 LĐNT. Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến, năm 2011 kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT từ chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm được phân bổ là 1.000 tỷ đồng, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800 nghìn LĐNT, đặc biệt bảo đảm ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Hiện 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo đề án và chọn huyện điểm, xã điểm để chỉ đạo triển khai, bảo đảm mục tiêu gắn chặt chẽ nhu cầu học nghề với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho LĐNT.
Đối với Thủ đô Hà Nội, thực hiện chương trình này, trong năm 2010, số lao động đã qua đào tạo khoảng 630.000 người, tăng 3,2%, đạt tỷ lệ 29% tổng số lao động. Mỗi năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho khoảng 69.000 người là LĐNT.
Gắn đào tạo nghề với xây dựng NTM
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các tỉnh phải gắn chương trình đào tạo nghề cho LĐNT với chương trình xây dựng NTM. Hai tiêu chí khó nhất mà các địa phương kêu khó là tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu cây trồng sẽ được giải quyết nếu nông dân có nghề và phát triển được nghề đã học. Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) cho biết, thực hiện "Thí điểm mô hình đào tạo nghề NN cho LĐNT tại 11 xã điểm xây dựng NTM", TTKNQG đã đến 11 xã điểm, phối hợp với 11 TTKN các tỉnh, khuyến nông viên các xã và UBND 11 xã điểm để đánh giá nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT, trên cơ sở đó xác định các nội dung đào tạo nghề thí điểm tại 11 xã điểm NTM. Năm 2010, TTKNQG đã đầu tư gần 2 tỷ đồng tổ chức 33 lớp đào tạo nghề tại 11 xã điểm NTM.
Tuy nhiên, để đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả, cần triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực qua lao động đào tạo nghề trong các ngành, các vùng kinh tế và từng địa phương. Theo ông Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ, việc nắm nhu cầu sử dụng lao động phải đi trước một bước, phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau để kịp thời bổ sung những thông tin nhu cầu về những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp bởi nhu cầu sử dụng lao động chính là đầu ra của đào tạo. Qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì với trình độ nào. Các địa phương phải lựa chọn nghề học cho phù hợp, xã nào, huyện nào có lợi thế nghề gì thì dạy cho nông dân nghề đó, tránh đào tạo nghề tràn lan, không phát huy hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.