(HNM) - Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm giúp thành phố thêm nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về ý nghĩa của cơ chế đặc thù này đối với thành phố Hà Nội.
- Thưa đồng chí, lý do nào để Hà Nội đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết trên?
- Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19-5-2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội qua 3 năm triển khai đã có kết quả bước đầu trong huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả còn chưa mang tính đột phá, chưa tạo được sự chủ động cho thành phố để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang còn nhiều thách thức lớn, đó là tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật do gia tăng dân số cơ học nhanh; ô nhiễm môi trường, úng ngập, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm còn tồn tại... Để giải quyết căn cơ, Hà Nội rất cần cơ chế đặc thù, nhằm chủ động về nguồn lực tương ứng với yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời có thêm những điều kiện để thực hiện mục tiêu “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
- Đồng chí có thể phân tích rõ hơn khi triển khai, Nghị quyết sẽ tạo động lực cho Hà Nội phát triển như thế nào?
- Các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cũng đề ra những định hướng phát triển Hà Nội thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo. Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Để thực hiện thì các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù sẽ mang tính quyết định và có ý nghĩa rất quan trọng:
Một là, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 là hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong Vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin...
Hai là, Hà Nội sẽ được chủ động điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có của thành phố (nguồn cải cách tiền lương còn dư, quỹ dự trữ tài chính) sẽ được huy động đưa vào đẩy nhanh các dự án đầu tư. Hiện nay, nguồn lực ngân sách chi đầu tư còn hạn hẹp, trong khi nguồn cải cách tiền lương (40.000 tỷ đồng), quỹ dự trữ tài chính (khoảng 18.000 tỷ đồng) chưa được sử dụng hiệu quả.
Ba là, thành phố sẽ phát huy và huy động được các nguồn thu có tiềm năng, thế mạnh, có tính đặc thù của Thủ đô. Đó cũng là giải pháp để hỗ trợ thực hiện giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Bốn là, Hà Nội sẽ chủ động trong công tác phân bổ ngân sách phù hợp với tình hình thực tế cũng như các mục tiêu, yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm chi cho các lĩnh vực có khả năng xã hội hóa để tập trung đầu tư cho các lĩnh vực giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, hạ tầng đô thị, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm là, Hà Nội sẽ có điều kiện tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”; góp phần đẩy nhanh và sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho nông thôn và giảm dần khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành.
- Nghị quyết quy định ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất sẽ có tác động gì đến nguồn lực đầu tư của Hà Nội?
- Tôi cho rằng, đây sẽ là khoản thu bổ sung đáng kể cho ngân sách thành phố, bởi để thực hiện mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội cần một nguồn lực gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Quốc hội chấp thuận cơ chế này sẽ góp phần hỗ trợ thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô đến năm 2030.
- Vậy thời gian tới, các cấp HĐND thành phố Hà Nội sẽ triển khai việc thực hiện Nghị quyết như thế nào, thưa đồng chí?
- Thời gian tới, các nội dung cụ thể liên quan đến thu - chi ngân sách sẽ được HĐND các cấp quyết nghị và giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng quy định, đúng nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND các cấp được nêu tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, trước khi ban hành nghị quyết, chính sách mới, nhất là chính sách tác động đến nhiều đối tượng, HĐND thành phố sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lấy ý kiến phản biện xã hội và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân với mục tiêu bảo đảm tối đa nhất quyền lợi người dân.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ có sự giám sát từ đại biểu HĐND, tổ đại biểu, các ban HĐND, thường trực HĐND và cao nhất là giám sát của HĐND thành phố để đánh giá Nghị quyết có đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao không.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.