(HNM) - Ngày 28-10, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo xây dựng chuyên đề "Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ TP” nhằm lấy ý kiến đóng góp tham mưu cho Thành ủy sớm ban hành chỉ thị, tạo chuyển biến trong giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến và UVTV, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội thảo.
Báo cáo đề dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy nêu rõ, công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ, cán bộ trẻ nói riêng được Thành ủy xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Thành ủy đã chú trọng thực hiện đồng bộ các khâu quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ... Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy lên 15%, nữ tham gia cấp ủy lên 30%. Cùng với khuyến khích, thu hút nhân tài, Hà Nội là một trong những địa phương dành nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhiều nhất.
Chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới. Ảnh: Huyền Linh |
Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điều dễ nhận thấy là tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ được bầu vào BCH Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua không đạt chỉ tiêu đề ra. Bình quân ở cấp cơ sở, cán bộ nữ tham gia cấp ủy chỉ chiếm 19,6%, cán bộ trẻ chiếm 3,6%; tương ứng ở cấp quận, huyện tỷ lệ này là 17,1% và 4,8%; ở các đảng bộ trực thuộc là 13,3% và 5,7%; ở cấp TP là 12% và 4%. Trong 3.434 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn thật khiêm tốn khi chỉ có 57 người dưới 30 tuổi (chiếm 1,64%) và 402 là nữ (chiếm 11,7%). Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng quy hoạch xong để đó...
Các đại biểu cho rằng có 6 nguyên nhân dẫn tới hạn chế, yếu kém. Trong đó chủ yếu là do quan niệm, nhận thức về công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của một số cấp ủy, chính quyền chưa khoa học, khách quan; mới tập trung vào quy hoạch, đào tạo cán bộ quản lý; chưa đánh giá đúng thế mạnh của cán bộ nữ, cán bộ trẻ. TP đề ra nhiều giải pháp nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm; các cơ quan tham mưu chưa thực hiện tốt vai trò; việc kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy chưa thường xuyên...
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Minh Hạnh, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới công tác quy hoạch, tạo đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ; gắn với trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Thứ hai là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho cán bộ về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương pháp công tác, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, 6 giải pháp chủ yếu sẽ được triển khai thời gian tới, trong đó Đảng bộ TP đặc biệt chú trọng đổi mới quan điểm, tư duy của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác này. Trên cơ sở đó, TP tập trung tạo bước đột phá trong việc bố trí, sử dụng, nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong các cơ quan, ngành, đoàn thể. Mặt khác, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo hướng chuẩn hóa gắn với quy hoạch; xây dựng và thực hiện một số chính sách liên quan đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, để thực hiện các chỉ tiêu từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của TƯ và TP. Mặt khác, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đề cao trách nhiệm của tập thể, đặc biệt là người đứng đầu với quyết tâm cao nhất để tháo gỡ khó khăn khách quan, chủ quan, thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra. Phó Bí thư đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Hội LH Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Sở Nội vụ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho BTV Thành ủy các giải pháp, chủ trương tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, các cấp, ngành cần tăng cường giáo dục, động viên cán bộ trẻ, cán bộ nữ tích cực học tập, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đủ khả năng để sẵn sàng đảm nhận các vị trí công tác cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.