(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, tại thời điểm tháng 12-2021. Xác định đây không phải là danh hiệu, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết tâm duy trì và phát huy kết quả phổ cập đã đạt được, tạo nền vững chắc để nâng chất lượng giáo dục, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước.
Nhiều điểm sáng
Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,2 triệu học sinh. Hà Nội được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 vào năm 2001, đạt mức độ 2 vào năm 2018. Ngày 6-10-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định công nhận thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, tại thời điểm tháng 12-2021. Hiện tại, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (cùng với tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nam). Đã có nhiều điểm sáng làm nên kết quả này của Hà Nội.
Nằm ở phía Tây thành phố, huyện Đan Phượng luôn xác định việc phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu khối huyện về kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, 53/54 trường học của huyện đã đạt chuẩn quốc gia, trường còn lại đang hoàn thiện để được UBND thành phố Hà Nội công nhận chuẩn quốc gia vào cuối năm nay. 16/16 xã, thị trấn của huyện đều có trường trung học cơ sở xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm các điều kiện để học sinh đi lại an toàn, thuận tiện; số phòng học đạt tỷ lệ 1,01 phòng/lớp. Ghi nhận thực tế cho thấy, “đặc sản” của Đan Phượng là hầu hết các trường học đều có thư viện mở ngoài trời, sân chơi và bãi tập rộng rãi…
Trong khi đó, trước áp lực về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng, quận Cầu Giấy dành phần lớn ngân sách để phát triển hệ thống trường, lớp, không để xảy ra hiện tượng thiếu chỗ học; đồng thời, có chính sách thu hút sinh viên thủ khoa sư phạm của trường đại học về giảng dạy tại các trường trung học cơ sở. Nhờ đó, hơn chục năm qua, học sinh lớp 9 của quận Cầu Giấy luôn dẫn đầu thành phố về kết quả thi vào lớp 10 các trường công lập.
Vượt khó, giữ vị trí dẫn đầu
Thách thức không nhỏ trong công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở nói riêng và trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nói chung của Hà Nội là địa bàn rộng, số lượng trường, lớp lớn, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa bàn còn chênh lệch. Các địa phương đã xác định những bất cập, khó khăn cụ thể để có giải pháp khắc phục, quyết tâm giữ vững vị trí dẫn đầu về giáo dục của thành phố Hà Nội.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến, năm 2021, tỷ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở của huyện đạt 97,65% (Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24-3-2014 của Chính phủ về việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ quy định là 95%), song so với một số địa phương còn thấp, do còn hiện tượng học sinh trung học cơ sở bỏ học ở một số xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Để khắc phục, tiến tới chấm dứt hiện tượng học sinh bỏ học, ngoài việc yêu cầu các nhà trường thường xuyên kiểm tra, có biện pháp duy trì sĩ số học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu UBND huyện hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khó khăn, khuyết tật hoặc là người dân tộc thiểu số…
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, huyện ưu tiên tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng trường học theo 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn mức độ 2, nhằm bảo đảm chất lượng dạy học một cách bền vững. Tất cả các trường học đều được đưa vào kế hoạch xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn mức độ 2 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 theo lộ trình cụ thể, nguồn kinh phí dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đợt kiểm tra, làm việc với lãnh đạo thành phố cùng ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (ngày 3, 4 và 5-10-2022), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 không phải là danh hiệu, mà phải gắn với trách nhiệm. Thành phố Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn và duy trì, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu” của cả nước trong lĩnh vực này.
“Theo quy định về điều kiện kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nếu hai năm liền thành phố không duy trì được kết quả đạt chuẩn theo mức độ phổ cập giáo dục, thì việc kiểm tra công nhận khôi phục lại được thực hiện như kiểm tra công nhận lần đầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.