Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng cho nông nghiệp hàng hóa

Ngọc Quỳnh| 21/02/2022 06:33

(HNM) - Hiệu quả của hoạt động kinh tế trang trại trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng những năm qua đã cho thấy lợi thế của mô hình này. Không chỉ tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, các trang trại đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm… qua đó, góp phần nâng cao đời sống người nông dân. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển mô hình này.

Mô hình trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hanh, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp người nông dân sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Hanh, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) cho biết, với quy mô 1ha, gia đình ông đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thương phẩm…, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Là một trong những địa phương có nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin: Trên địa bàn huyện có 25 trang trại tại các xã: Phương Đình, Thọ An, Trung Châu… trong đó có 23 trang trại chăn nuôi lợn, 1 trang trại nuôi gà, 1 trang trại nuôi bò…, giá trị sản xuất trung bình 4-5 tỷ đồng/năm. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, việc phát triển kinh tế trang trại còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nguồn cung nông sản cho thị trường và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.759 trang trại (37 trang trại trồng trọt; 1.410 trang trại chăn nuôi; 191 trang trại nuôi trồng thủy sản; 1 trang trại lâm nghiệp và 120 trang trại tổng hợp), trong đó có nhiều trang trại gắn kết với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại hữu cơ Tuệ Viên (quận Long Biên); Trang trại trải nghiệm Vạn An (huyện Thanh Trì)...

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội đã góp phần xây dựng nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân; góp phần xóa đói, giảm nghèo; phân bổ lại lao động và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Tập trung phát triển trang trại quy mô lớn

Phát triển kinh tế trang trại giúp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quản lý chất lượng nông sản... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số khó khăn. Đơn cử, tại nhiều địa phương, các trang trại hoạt động theo hướng tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm có nơi chưa bảo đảm nên sức cạnh tranh yếu. Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đưa được công nghệ mới vào sản xuất..., dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, bán ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, hiệu quả thấp.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho rằng: Để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách cho vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hay Quỹ Khuyến nông; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Cùng với đó là hỗ trợ các hoạt động liên kết để bao tiêu hàng hóa, nông sản cho người nông dân.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm... gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Mặt khác, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.

Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Năm 2022 Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; phấn đấu đến năm 2025 có 23.000 trang trại và đến năm 2030 có 27.000 trang trại đạt các tiêu chí quy định. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại cũng như các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế trang trại theo hướng phát triển quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích xây dựng các trang trại nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch, qua đó khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Cả nước hiện có 19.667 trang trại. Diện tích đất bình quân là 3,8 ha/trang trại; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân là 3,52 tỷ đồng/trang trại; lao động thường xuyên bình quân là 3,5 lao động/trang trại; tổng giá trị sản xuất bình quân là 2,86 tỷ đồng/năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng cho nông nghiệp hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.