Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô thời kỳ mới: Kỳ vọng chuyển động đột phá

An Nhi| 18/06/2023 05:45

(HNM) - Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã vạch ra đường hướng cơ bản để xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân. 15 năm qua, cùng cả nước, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã có những chuyển động tích cực, song vẫn cần có sự đột phá hơn để phát triển lên tầm cao mới.

Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá những tác phẩm văn học, tiết mục nghệ thuật mới và đậm đà bản sắc dân tộc đến công chúng.

Bước chuyển chưa tương xứng

Là nơi hội tụ tài năng, trí tuệ của văn nghệ sĩ cả nước, với hơn 4.000 hội viên sinh hoạt trong Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã có những chuyển động, cống hiến cho đời sống. 15 năm qua, Hà Nội đã có thêm nhiều công trình quy mô lớn như Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Thư viện Hà Nội, Phố sách Hà Nội…, tạo điều kiện, cảm hứng cho văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo, đưa tác phẩm mới, giá trị đến công chúng.

Việc sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng đạt nhiều dấu ấn, dần tạo nếp thụ hưởng cho nhân dân Thủ đô. Ở lĩnh vực văn học, các nhà văn, nhà thơ kỳ cựu như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều… vẫn hăng say cống hiến. Nhiều thế hệ nối tiếp vẫn đều đặn sáng tác về Hà Nội, như Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai… Trong âm nhạc, Hà Nội đã có Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa trở thành thương hiệu được đón chờ không chỉ với người dân Thủ đô mà cả với nghệ sĩ, công chúng quốc tế. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có thêm nhiều sáng tác, triển lãm chất lượng, gắn với sự đổi thay hằng ngày của Thủ đô và đất nước. Trong đó, Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Hà Nội - Photo Hanoi’23, triển lãm nghệ thuật kết nối "Hà Nội - Hanoi Art Connecting" đã thu hút được đông đảo nghệ sĩ và khán giả trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ tại Hà Nội vẫn chuyển biến chậm. Theo nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, những mặt yếu kém trong phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô qua 15 năm vẫn chưa được khắc phục. Các tác phẩm ra đời có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước; còn tình trạng “nghiệp dư hóa”; các sáng tác có giá trị được giới thiệu ra nước ngoài còn hạn chế; kinh phí, ngân sách cho văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với yêu cầu mới… Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan (Hội Điện ảnh Hà Nội) nêu, điện ảnh là lĩnh vực đem lại sức bật công nghiệp văn hóa nhưng lĩnh vực này ở Thủ đô rất èo uột, hiếm tác phẩm xuất hiện tại rạp chứ chưa nói đến tạo “bom tấn”…

Chuỗi sự kiện Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Hà Nội - Photo Hanoi’23 là một trong những hoạt động góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.

Tiến cùng công nghiệp văn hóa

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đầu tư phát triển một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, xuất bản… PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn học, nghệ thuật đóng góp vào việc xây dựng con người Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ, chứ không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, việc khai thác công nghiệp văn hóa để phát triển văn học, nghệ thuật và ngược lại vẫn chưa hiệu quả. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, phải thay đổi nhận thức của các cấp, ngành về các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển song hành công nghiệp văn hóa với văn học, nghệ thuật; tạo mọi điều kiện cho hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ; coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực...

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nêu thêm, việc định hướng dư luận, định hướng thẩm mỹ cho công chúng; mở thêm nhiều cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, thi tìm hiểu lịch sử - văn hóa truyền thống… sẽ giúp độc giả Thủ đô nâng cao hiểu biết và có hứng thú đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, văn nghệ sĩ, các hội chuyên ngành, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phải đổi mới tư duy, phương pháp sáng tạo, quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng những lợi thế của internet trong hoạt động.

Để tiếp tục phát triển, đưa văn học, nghệ thuật Thủ đô lên tầm cao mới, có đột phá, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, thành phố cần đổi mới căn bản, toàn diện cơ chế đầu tư văn học nghệ thuật, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động sáng tạo, phổ biến tác phẩm; chú trọng ươm tạo, bồi dưỡng tài năng. Thành phố cũng cần ưu tiên đầu tư những môn nghệ thuật truyền thống để giữ bản sắc và môn nghệ thuật hàn lâm để nâng vị thế; ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo; nâng cao đời sống văn nghệ sĩ… Phía Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật cũng đang tích cực cải tiến các giải thưởng văn học, nghệ thuật để khích lệ sáng tác; ký kết các chương trình, đề án sáng tạo cho 9 hội chuyên ngành; phối hợp tổ chức phổ biến tác phẩm chất lượng đến với công chúng…    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô thời kỳ mới: Kỳ vọng chuyển động đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.