(HNM) - Chuyển đổi số là đưa các hoạt động của con người lên môi trường số, điều này cũng đồng nghĩa với việc cần phải bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Song để thực hiện được nhiệm vụ này, bên cạnh các lực lượng chuyên trách về an toàn thông tin, còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân... với việc thay đổi nhận thức, cách làm để cùng gìn giữ môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
An toàn thông tin không đồng tốc với chuyển đổi số
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình mỗi người Việt Nam dành 7h hằng ngày trên mạng internet. Tuy nhiên, nhận thức về an toàn thông tin lại hạn chế. Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân, lừa đảo qua mạng gây nhức nhối cho xã hội. Gần 1.300GB dữ liệu chứa hàng tỷ thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, người dân được mua bán trái phép.
Còn khảo sát năm 2022 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tại 135 tổ chức, doanh nghiệp trong nước cho thấy, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ do tấn công mạng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 11 tháng năm 2022, Cục đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021; 2.063 website vi phạm (trong đó có 1.255 website lừa đảo) bị ngăn chặn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin; mới chỉ có 54,8% hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
Lý giải về thực trạng bảo đảm an toàn thông tin hiện nay, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel) Lê Quang Hà cho rằng, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, song an toàn thông tin cho chuyển đổi số lại chưa theo kịp. Sự không đồng tốc này nằm ở 3 vấn đề: Nhận thức và cách làm; nguồn lực cho chuyển đổi số còn hạn chế; công nghệ an toàn thông tin không theo kịp.
Theo Hiệp hội An toàn thông tin, 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; 68% đơn vị chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hằng năm.
Thay đổi nhận thức, tạo ra sản phẩm an toàn thông tin
Về giải pháp, ông Lê Quang Hà đề xuất, việc chuyển đổi số phải gắn với chiến lược về an toàn thông tin, từ đó thay đổi nhận thức và cách làm. Nói cách khác, trước hết phải chuyển đổi số trong chính lĩnh vực an toàn thông tin; tổ chức lực lượng an toàn thông tin trong lực lượng chuyển đổi số, đưa an toàn thông tin vào sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số.
Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ, Phó Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) Đào Gia Hạnh chia sẻ, những năm gần đây, FPT đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời tập trung đào tạo nhân lực an toàn thông tin. “Các giải pháp bảo mật của FPT bảo vệ toàn diện tài sản số của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia giao dịch, dịch vụ trên môi trường số”, ông Đào Gia Hạnh nói.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An ninh an toàn CMC Hà Thế Phương cho hay, các doanh nghiệp công nghệ trong nước hoàn toàn có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng chất lượng cao.
Mong muốn chung tay nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dùng internet tại Việt Nam, ông Shash Hegde, chuyên gia an toàn thông tin cao cấp, khối dịch vụ khách hàng công của Google châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Google bắt đầu từ những sáng kiến ở từng quốc gia để nâng cao nhận thức cho người dùng internet.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa, năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm kỷ cương, tuân thủ quy định về an toàn thông tin. Theo đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2024, các hệ thống thông tin không đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn sẽ phải dừng vận hành. “Năm 2023 lấy chủ đề dữ liệu số, với một số nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bảo vệ dữ liệu, nâng cao nhận thức, liên minh tuyên truyền và tổ chức chiến dịch tuyên truyền”, ông Trần Đăng Khoa thông tin.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, vấn đề gốc, cốt lõi nhất là làm sao để người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là cần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho đông đảo người dân. Và để đông đảo người dân ý thức, quan tâm đến vấn đề này thì hoạt động tuyên truyền cần phải đáp ứng tốt nhất. Việc liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thành lập vừa qua là để thực hiện mục tiêu này.
Khẳng định không lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết việc “quản” khối lượng công việc khổng lồ trên không gian mạng, song Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức để hiểu việc bảo đảm an toàn không gian mạng là trách nhiệm phải chủ động vào cuộc của tất cả bộ, ngành, địa phương, theo nguyên tắc “thực sao ảo vậy”. Nghĩa là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.