Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo ''luồng xanh'' cho vận tải hàng hóa thiết yếu

Gia Bảo| 23/07/2021 07:26

(HNM) - Trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng thiết yếu được ưu tiên lưu chuyển hàng hóa phục vụ người dân và duy trì sản xuất. Đây là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp.

Lực lượng chức năng kiểm tra thông tin của lái xe tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Nút giao An Phú (đầu đường dẫn vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) là một trong 12 chốt chính kiểm soát việc đi lại ở cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra các xe ô tô lưu thông vào thành phố, nắm bắt về mục đích đi lại, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành Chỉ thị số 16/CT-TTg... Nhìn chung, các tài xế đều chấp hành nghiêm túc việc phòng, chống dịch, lượng xe đi lại trật tự, thông suốt.

“Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao thông theo "luồng xanh" cho những xe chở hàng thiết yếu rất phù hợp với tình hình dịch phức tạp hiện nay”, tài xế Trần Văn Chiến, lái xe cho Công ty Dịch vụ vận tải và thương mại Công Thành (phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức) chia sẻ.

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, để bảo đảm cho các phương tiện vận tải hàng hóa đi lại thuận tiện trong thời gian giãn cách xã hội, Sở đã tổ chức giao thông bằng cách tạo “luồng xanh” (luồng ưu tiên cho phương tiện vận tải hàng thiết yếu qua lại) trên các tuyến đường, các chốt kiểm soát giao thông. Cụ thể, các đơn vị có phương tiện thuộc đối tượng cấp thẻ được số hóa kèm theo thẻ nhận diện (có mã tra cứu QR) sẽ ưu tiên qua chốt kiểm soát nhanh nhất.

Đồng thời, Sở cũng phối hợp doanh nghiệp và các cơ quan liên quan triển khai “luồng xanh” đường thủy, nhằm giảm tải cho đường bộ, kịp thời đưa hàng hóa thiết yếu từ các địa phương phía Nam khác đến thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, có 5 tàu cao tốc Greenlines DP của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP vận chuyển thực phẩm thiết yếu. Trong ngày đầu 19-7 đã có 20 tấn hàng hóa được vận chuyển từ tỉnh Tiền Giang lên thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến những ngày tới, thành phố sẽ có ít nhất 100 tấn thực phẩm thiết yếu được vận chuyển bằng các tàu cao tốc này.

Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hải Đường cho biết, loại hình vận chuyển được cấp thẻ nhận diện phương tiện gồm xe ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp vào thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại; xe ô tô từ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan ra, vào thành phố Hồ Chí Minh; xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua thành phố...

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin, PC08 phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng, tạo “luồng xanh” để các phương tiện đi lại thuận lợi. “Nhìn chung, những ngày qua, các đơn vị liên ngành phối hợp rất tốt nên các phương tiện đi lại thông suốt”, Thượng tá Nguyễn Văn Bình đánh giá.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin thêm, thành phố đã có hơn 40.000 ô tô được cấp thẻ nhận diện ưu tiên. Ngành Giao thông thành phố cũng đưa ra lộ trình rõ ràng cho xe ra, vào thành phố. “Bằng cách tổ chức “luồng xanh”, giao thông đã được thông suốt, bảo đảm mạch cung ứng, xuất khẩu hàng hóa của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các địa phương không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg mà chỉ kiểm tra mục đích đi lại, nhằm rút ngắn thủ tục và thời gian tại các chốt kiểm soát.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng có văn bản gửi UBND và sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển các loại hàng thiết yếu, hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống...) khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg thì không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện trên xe.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo ''luồng xanh'' cho vận tải hàng hóa thiết yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.