Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo lập, duy trì hình ảnh Thủ đô là điểm đến xứng đáng của doanh nghiệp

Hồng Sơn| 12/08/2018 06:29

(HNM) - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 847/TB-KH&ĐT (ngày 31-7-2018) về việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, áp dụng từ ngày 1-8. Trong văn bản này, nhiều chính sách đột phá sẽ được thực hiện nhằm tiếp tục tạo lập và duy trì hình ảnh Thủ đô là điểm đến xứng đáng của các dòng vốn đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Hữu Tiệp


Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và thực chất hơn

- Ông có thể cho biết tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP Hà Nội?

- Sau nhiều năm liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó nội dung chủ đạo là hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay, Hà Nội vẫn chủ động duy trì hoạt động này như một chủ trương lớn, là mục tiêu xuyên suốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đáng lưu ý, các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 của Hà Nội tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng vị trí 13/63 tỉnh, thành phố (tăng một bậc so với năm 2016); Chỉ số cải cách hành chính đứng vị trí 2/63 tỉnh, thành phố (tăng một bậc).

Đặc biệt, với việc chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Thủ đô ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn cũng ngày càng lớn. Đó là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm phục vụ của hệ thống cơ quan chức năng, nhất là với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong 7 tháng năm 2018, đã có 14.848 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2017), với tổng vốn đăng ký 16.303 tỷ đồng (tăng 42%). Đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng số khoảng 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

- Hà Nội có vị thế là Thủ đô, với nguồn lực phát triển lớn hàng đầu cả nước. Cùng lợi thế này, công tác thu hút đầu tư ở Hà Nội có thuận lợi, khó khăn gì so với các địa phương khác?

- Thời gian qua, Hà Nội đã rất chủ động trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng minh bạch, kịp thời, thuận tiện. Tuy vậy, do Thủ đô là một đô thị lớn, dân số đông, tiềm năng lớn, nên khối lượng công việc liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp luôn nhiều hơn các địa phương khác. Đơn cử, ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, mỗi cán bộ chuyên môn hiện giải quyết 17,7 hồ sơ/ngày, trong khi mức trung bình của cả nước chỉ 6-7 hồ sơ/ngày. Đây là sức ép thường xuyên, nhưng chúng tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất. Tôi cũng nhấn mạnh, để đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tất cả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đều được thực hiện trực tuyến, đạt tỷ lệ 100% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, đứng đầu cả nước.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở thực hiện mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện” nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ. Cụ thể, chúng tôi đã triển khai dịch vụ đăng ký trước số tài khoản ngân hàng, qua đó các doanh nghiệp có thể thực hiện việc này cùng với thời điểm lập hồ sơ thành lập. Chúng tôi phối hợp với Bưu điện Hà Nội mở dịch vụ trả kết quả tại nhà hoặc trụ sở doanh nghiệp để giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi. Đặc biệt, từ đầu tháng 1-2018, Sở đã thực hiện việc gửi thư chúc mừng tới các doanh nghiệp mới thành lập, kèm theo gói quà tặng miễn phí như phần mềm kế toán, quản lý văn bản, dữ liệu, tư vấn thuế... Việc này được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, ghi nhận.

- Không phải ngẫu nhiên mà thành phố chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, theo ông, những chính sách ưu việt này dựa trên nhu cầu và thực tiễn nào?

- Sở dĩ thành phố chú trọng, hỗ trợ để doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển là thực hiện đúng đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước và thành phố; từ đó tạo điều kiện và cơ hội đóng góp cho mỗi doanh nghiệp; không phân biệt thành phần sở hữu. Theo tôi đó là quyết định đúng đắn, phù hợp với quy luật, cũng như xuất phát từ yêu cầu phát huy nội lực, tạo sự công bằng, bình đẳng cho mỗi đơn vị, thành phần kinh tế, nhất là xét trong bối cảnh ngân sách, nguồn đầu tư công còn eo hẹp.

Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp khu vực tư nhân luôn gắn bó với đời sống của nhân dân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, mô hình doanh nghiệp này giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cho người dân trong độ tuổi lao động, cũng như góp phần đáng kể vào việc bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, với mức đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách đã thể hiện rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong đời sống kinh tế - xã hội.

Liên tục đổi mới

- Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư có những chính sách gì mới trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp?

- Đây là yêu cầu tiên quyết và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Sở xác định tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Đáng chú ý, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã ban hành Thông báo số 847/TB-KH&ĐT (ngày 31-7-2018) về việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới (áp dụng từ ngày 1-8-2018) để tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương này.

Sở cũng sẽ tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và kiên trì mục tiêu, cách ứng xử công khai, minh bạch về thông tin, quy hoạch, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; phấn đấu tạo lập và duy trì hình ảnh Thủ đô là điểm đến xứng đáng của các dòng vốn đầu tư, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, chúng tôi quán triệt thực hiện tinh thần, nội dung chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trong lần làm việc với Sở mới đây. Theo đó, Sở cần tập trung nghiên cứu, tham mưu với thành phố trong việc nâng cao các chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp và làm tròn trách nhiệm của một cơ quan đóng vai trò “tham mưu trưởng”. Các ý kiến, đề xuất cần bảo đảm có chất lượng, gắn liền với yêu cầu thực tế và định hướng, chiến lược phát triển của Thủ đô.

- Với tinh thần liên tục đổi mới như vậy, ông có thể nói rõ hơn những lợi ích người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi đăng ký thành lập mới doanh nghiệp theo Thông báo số 847/TB-KH&ĐT?

- Thông báo số 847/TB-KH&ĐT nêu rõ các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới, đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới đều được hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, với mức 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí làm một con dấu pháp nhân với mức tối đa không quá 300.000 đồng/doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp có nhu cầu nhận kết quả “đăng ký doanh nghiệp” tại nhà, hoặc trụ sở làm việc (theo giá cước của Bưu điện TP Hà Nội).

Ngoài ra, Sở sẽ tích hợp các thủ tục đăng ký doanh nghiệp ban đầu, tạo tiện ích khi thành lập doanh nghiệp, giúp giảm thời gian, giảm các thủ tục hành chính. Đồng thời, doanh nghiệp không phải đến trụ sở cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn có thể nhận được kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà, hoặc trụ sở công ty. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí ban đầu khi thực hiện thủ tục khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường, tạo động lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và thúc đẩy các tổ chức, cá nhân lập doanh nghiệp mới. Qua đó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất của thành phố đến năm 2020 sẽ có 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn.

- Như vậy có thể thấy, “doanh nghiệp nhỏ và vừa” luôn là đối tượng được thành phố tập trung hỗ trợ để mở rộng, phát triển. Trên tinh thần này, thành phố đã có những cơ chế, chính sách gì để giúp họ khởi sự thành công?

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND thành phố phê duyệt đề án: “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội”, dự kiến được ban hành và triển khai thực hiện trong tháng 8-2018. Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tham mưu cho thành phố xây dựng đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội, dự kiến đề án sẽ hoàn thiện và trình UBND thành phố phê duyệt cuối năm 2018. Qua đây sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của Hà Nội và cả nước.

Cùng với các chính sách hỗ trợ ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng, đề xuất, tham mưu với thành phố hỗ trợ về tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, xúc tiến thương mại… Từ đó tạo thành một chu trình hỗ trợ khép kín, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động và phát triển.

Sở cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số nội dung như: Đề xuất với Chính phủ trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; Nâng cao hơn nữa các tiện ích trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia để giúp doanh nghiệp cũng như các cơ quan đăng ký kinh doanh sử dụng một cách hiệu quả; Sớm hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập, duy trì hình ảnh Thủ đô là điểm đến xứng đáng của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.