Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo không gian khởi nghiệp trong trường học

Minh Đức| 01/04/2023 07:25

(HNM) - Điểm nhấn ấn tượng của học sinh, sinh viên tại “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” năm 2023 vừa diễn ra cuối tháng 3 là hàng trăm gian hàng trưng bày các dự án khởi nghiệp. Cuộc thi mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên để hiện thực ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống. Đây cũng là niềm tin, tạo động lực thúc đẩy các nhà trường quan tâm hơn đến việc tạo không gian khởi nghiệp, kích thích niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho người học.

Năm 2023 là năm thứ 5 cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trên cả nước, thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên. Các sản phẩm xuất sắc nhất được trưng bày tại “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” và tham dự vòng chung kết cuộc thi. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017.

Qua 4 lần tổ chức trước đây, ngày hội khởi nghiệp thu hút sự tham gia của hơn 20.000 học sinh, sinh viên với hơn 2.500 dự án khởi nghiệp. Trong đó, 70% số dự án đã có sản phẩm, 30% số dự án đang có sản phẩm được sản xuất thử. Số dự án tham dự cấp trường, địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước, thể hiện sự lan tỏa của hoạt động khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Năm 2023, hơn 500 dự án đã gửi tham dự cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, trong đó 80 dự án được chọn vào vòng chung khảo, gồm 30 dự án của học sinh và 50 dự án của sinh viên.

Là địa phương có nhiều giải nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 với toàn bộ 5 dự án tham gia đều đoạt giải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định việc đồng hành, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, các trường phổ thông luôn tích cực triển khai giáo dục STEM, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường ứng dụng thực tế. Các dự án đoạt giải sẽ tiếp tục được hỗ trợ nghiên cứu, phát triển để có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) là đơn vị đóng góp 2/5 dự án cho đoàn Hà Nội, trong đó có 1 dự án đoạt giải Nhất, 1 dự án đoạt giải Nhì. Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp, học sinh nhà trường đoạt giải cao tại cuộc thi này. Hiệu trưởng nhà trường Ngô Thị Diệp Lan chia sẻ, hai dự án đoạt giải đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của một số doanh nghiệp. Nhà trường sẽ tích cực kết nối, tạo điều kiện và hỗ trợ để các dự án thêm hoàn thiện.

Ở khối đào tạo đại học, nhiều năm nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thành lập và phát huy vai trò của trung tâm khởi nghiệp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, nhà trường đặc biệt chú trọng đào tạo tư duy khởi nghiệp và tạo sân chơi cho sinh viên thông qua các câu lạc bộ, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên. Từ năm thứ nhất, sinh viên có thể đăng ký tham gia chương trình ươm tạo, qua đây, các em được học cách áp dụng kiến thức vào thực hành bằng việc tạo ra dự án có hình hài doanh nghiệp tương lai. Sinh viên biết được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế cùng những gì mình còn thiếu hụt để cải thiện ngay khi còn đang học.

“Để khởi nghiệp cần nhiều kỹ năng, song có một vài kỹ năng chính mà sinh viên nhất định phải chuẩn bị, đó là phát hiện thách thức trong đời sống kinh tế - xã hội, từ đó có ý tưởng khởi nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan nhắn nhủ.

Khẳng định trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tiếp theo về việc tạo môi trường cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo đang được triển khai là cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp. Trong đó có những việc cụ thể như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng cho học sinh, sinh viên... Sự kết nối với doanh nghiệp, sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của học sinh, sinh viên cũng là việc quan trọng mà ngành Giáo dục và Đào tạo phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo không gian khởi nghiệp trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.