(HNMCT) - Các cơ quan chuyên về lĩnh vực văn chương và nhiều bộ, ngành đã và đang tích cực tổ chức các cuộc thi viết, tạo dựng sân chơi cho người cầm bút. Đó cũng là dịp khích lệ người cầm bút sáng tạo, có thêm tác phẩm chất lượng.
Để có thêm những đột phá
Vừa qua, Bộ Công an tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người viết chuyên nghiệp, nghiệp dư, trong đó có nhiều cây viết là cán bộ, chiến sĩ công an. Không ít tác phẩm được đầu tư khá công phu, mang hơi thở cuộc sống, bám sát các hoạt động của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tăng cường cho hoạt động cơ sở, thể hiện phương châm “Khi dân cần, khi dân khó có Công an”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: Các tác phẩm dự thi đa dạng về chủ đề, mang đến thông điệp rõ ràng, phong phú về nội dung, bám sát tiêu chí cuộc thi. Hình tượng về người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được khắc họa rõ nét với những phẩm chất tốt đẹp, sự hy sinh và luôn dấn thân để bảo vệ sự bình yên của nhân dân và chủ quyền của đất nước.
Trước đó, liên quan tới ngành Công an từng diễn ra các cuộc thi: Thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức; giải Cây bút vàng do Chi hội Nhà văn công an tổ chức... Nhiều tác phẩm đạt giải cao được bạn đọc đón nhận, được tái bản nhiều lần, thậm chí được chuyển thể thành phim truyền hình.
Nhà văn Nguyễn Hiệp, tác giả được trao giải A Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, tâm sự: “Các cuộc thi văn chương luôn để lại nhiều dấu ấn trong một phần đời sống văn chương. Ngoài chức năng phát hiện những cây bút tài năng mới, các cuộc thi văn chương thực chất là cuộc huy động tâm sức để tạo ra nhiều tác phẩm giá trị, phát hiện những đột phá của lực lượng sáng tác. Rất nhiều nhà văn, nhiều cây bút tài danh đã được phát hiện từ các cuộc thi văn chương. Và giải thưởng, sự công nhận ấy như một cú hích kịp thời để tài năng phát triển, tự tin hơn, biết cách tự hoàn thiện để cho ra đời những tác phẩm đạt chất lượng tốt hơn”.
Sự khích lệ kịp thời
Hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phát động cuộc thi viết truyện, tiểu thuyết về đề tài công nhân, công đoàn với mức giải thưởng cao; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp văn chương” năm 2022; Tạp chí Văn nghệ quân đội đang triển khai cuộc thi thơ. Nhiều Hội văn học nghệ thuật địa phương nỗ lực tổ chức các cuộc thi văn chương định kỳ hằng năm và khích lệ tác giả trong cả nước tích cực sáng tạo.
Tác giả Tống Phước Bảo, người đã đạt nhiều giải thưởng văn chương cho hay: “Các cuộc thi viết là nguồn động lực để các tác giả phấn đấu và cũng là một môi trường để các tác giả cọ xát, giao lưu, từ đó hun đúc sự đam mê đối với văn chương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần các cuộc thi nhưng phải tổ chức chuyên nghiệp, có các tổ chức, cơ quan, đoàn thể đứng ra chủ trì, thành phần ban giám khảo cũng phải uy tín, và có sự truyền thông rộng rãi để kết nối được nhiều thành phần sáng tác, tạo nên một môi trường cạnh tranh tích cực, đa dạng và có thể tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới”.
Đồng quan điểm ấy, nhà văn Tống Ngọc Hân cho biết thêm: “Tôi cũng mong có nhiều cuộc thi để các cây bút trong cả nước được trổ tài. Song, để đạt chất lượng thì những cuộc thi phải được tổ chức một cách khoa học. Các đơn vị tổ chức thi phải liên kết với nhau, nhìn nhau để không chồng chéo, không dày quá, không đụng đề tài. Cảm xúc văn chương, nhất là nguồn vốn văn không phải là "tài nguyên" vô hạn. Nhà văn có thể vắt kiệt mình cho những trang viết, nhưng những cuộc thi thì không nên "vắt kiệt" họ”.
Các cuộc thi văn chương uy tín và phát hiện được tài năng cũng nhờ những người cầm cân nảy mực. Ban Giám khảo có cái nhìn sâu rộng, sắc bén thì mới công nhận được những tác phẩm thực sự giá trị. Nhiều cây bút cho rằng, vấn đề tiên quyết của một cuộc thi văn chương không phải giải thưởng bao nhiêu tiền mà là ai chấm, chính cái tên của người chấm giải đã mang lại sự vinh dự lớn lao cho tác giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.