Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản

Đỗ Minh| 30/10/2022 06:22

(HNM) - Khi chỉ còn hai tháng nữa sẽ hết năm 2022, Bộ NN&PTNT dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ vượt mức 50 tỷ USD mà Chính phủ giao trong năm nay. Đây là sự đột phá lớn của ngành Nông nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Phát triển và Chế biến thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.

Cục trưởng Cục Phát triển và Chế biến thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.

Phấn đấu vượt mục tiêu

- Kết quả nổi bật trong xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay ra sao, thưa ông?

- Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng của  năm nay đã đạt hơn 40 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm từ sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%)... 

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 28,3%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần); đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ tư là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

- Vậy, theo ông, còn khó khăn gì có thể ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu nông lâm thủy sản trong năm 2022?

- Những khó khăn chính trong xuất khẩu nông lâm thủy sản hiện nay là áp lực chi phí tăng cao, tiêu thụ chậm, lợi nhuận giảm, sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Nhiều quốc gia chủ động cơ cấu lại nền nông nghiệp để chủ động cho cung ứng trong nước. Trong khi đó, chi phí vận chuyển ngày một tăng, lạm phát tại nhiều quốc gia tăng mạnh khiến đồng ngoại tệ nhiều nước mất giá; xung đột về chính trị, biến động về thị trường… Trong khi đó, nhiều ngành hàng nông lâm thủy sản của ta còn hạn chế về chất lượng, mẫu mã, nguồn hàng…

- Năm 2022, Chính phủ giao ngành Nông nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản phải đạt 50 tỷ USD. Liệu ngành Nông nghiệp có đạt mục tiêu này, thưa ông?

- Với dư địa hiện nay, ngành Nông nghiệp hoàn toàn có thế cán đích mục tiêu 50 tỷ USD Chính phủ giao, dự kiến vượt mục tiêu đó. 3 tháng cuối cùng của năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch bởi nhu cầu từ thị trường thế giới cho Noel và Tết Dương lịch là rất lớn. Trong đó, dự kiến, đến hết tháng 11, ngành thủy sản có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như kỳ vọng. Tương tự, mặt hàng gỗ và lâm sản cũng dự kiến tăng mạnh; gạo, cà phê… cũng sẽ tăng vào dịp cuối năm.

Đáng chú ý, gần nhất có 2 nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc, đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt. Trong tháng 9, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là dư địa lớn cho nhiều mặt hàng từ nay đến cuối năm và những năm sau.

Cũng từ tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD) trong năm 2022.

Ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường

- Vậy, giải pháp cho những tháng cuối năm có đột phá gì, thưa ông?

- Có thể khẳng định, đạt được kết quả xuất khẩu là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của người sản xuất, của doanh nghiệp, hiệp hội… Nỗ lực đạt và vượt mục tiêu đề ra, toàn ngành đang chủ động cho những đơn hàng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định hướng thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, Bộ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm (như chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo…).

Mặt khác, Bộ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều thách thức với xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ nhằm củng cố thị trường truyền thống, khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

- Về lâu dài, để nông sản xuất khẩu bền vững chúng ta cần làm gì, thưa ông?

- Cùng với phát triển và khai thác từ các thị trường xuất khẩu, chúng ta cần tập trung nâng cao năng lực chế biến, xây dựng các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong sản xuất; nâng cao chất lượng, mẫu mã các mặt hàng; tuân thủ nghiêm quy chuẩn về chất lượng tại các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, phát triển các mô hình điểm logistics cộng đồng từ kho bãi, vận chuyển, chế biến... tại các địa phương để gắn với vùng nguyên liệu.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản ngay cửa khẩu do tỉnh quản lý và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ thực hiện ở tỉnh Lạng Sơn. Hàng hóa trước khi xuất khẩu sẽ được kiểm dịch, sau đó xe hàng có thể đi thẳng tới nước bạn. Nếu có trường hợp ùn ứ thì đó cũng là nơi chế biến, đóng gói tạm trữ một thời gian... Khi xảy ra dịch bệnh thì khu vực này là “vùng xanh”, nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn. Hay vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, trong đó có xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành trung tâm này ở Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án, trong đó giai đoạn 1 khoảng 450ha, tập trung các hoạt động liên kết,  sản xuất, chế biến tinh, hệ thống logistics, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng định hướng xin chủ trương Chính phủ xây dựng một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên.

Thực tế, các dự án logistics đã có nhưng dừng thí điểm thì “đâu lại vào đó”, người dân khó chủ động thực hiện. Ngành Nông nghiệp đã xác định, khi trình xây dựng chương trình logistics cấp độ vùng nguyên liệu cần đi kèm kiến nghị chính sách phát triển lâu dài, bền vững. Ngoài ra, Bộ sẽ có kiến nghị về chính sách hỗ trợ đất đai, tín dụng và thị trường; còn doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ đầu tư nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu song hành khu chế biến và logistics...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.