Nước ta luôn xác định con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.
Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt ấy, mọi chủ trương, chính sách của nước ta đều hướng tới người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội đã và đang được triển khai, qua đó không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhờ “trọng dân”, nước ta đã khơi dậy được sức mạnh, tiềm năng to lớn, quy tụ được lòng dân chung sức, đồng lòng thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao... Đặc biệt, năm 2023 dù có nhiều biến động phức tạp, con tàu Việt Nam đã “vượt qua sóng cả, vững tay chèo”, “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD... Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Thấm nhuần quan điểm của Người, trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo những thách thức, khó khăn, cũng như cơ hội, tiềm năng trong năm 2024, chủ trì buổi gặp mặt, chiêu đãi Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam tối 24-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Đặt người dân vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực cho phát triển là cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả nhất đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân”.
Có thể thấy, con người là chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn gốc của cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh của các quốc gia. Sự tồn/vong, thịnh/suy của một quốc gia, dân tộc đều bắt nguồn từ yếu tố con người và quyết định cũng bởi con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, rõ ràng, việc đặt người dân vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực cho phát triển có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực hiện tốt việc này, điều quan trọng là cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định việc đặt người dân là trung tâm, là chủ thể... Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị phải vì dân, gần dân, sát dân, thực sự vì lợi ích của người dân. Quyền và lợi ích của người dân cần được bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa và xã hội.
Con người là nguồn lực quan trọng nhất của mọi nguồn lực, giá trị cao nhất của mọi giá trị. Do đó, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam. Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, cũng như có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả động viên, khuyến khích, phát huy tinh thần cống hiến, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong mỗi người dân.
Hiện nay, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng. Năm 2024, dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn.
Trong bối cảnh này, đặt người dân vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực cho phát triển, qua đó “phát huy nhân tố con người” bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được mục tiêu đã đề ra; từ đó tạo nên những bước đột phá, những dấu ấn mới trong hành trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.