Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá trong quản lý, điều hành

Hiền Thu| 08/10/2020 06:33

(HNM) - Ngay sau khi ban hành, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện. Qua đó, công tác cải cách hành chính có nhiều kết quả nổi bật, tạo dấu ấn đột phá trong hoạt động quản lý, điều hành của thành phố Hà Nội.

Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công không ngừng được cải thiện. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Mục tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU là: “Xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác”. Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 08-CTr/TU gắn với 6 nội dung cải cách hành chính (cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính).

Một trong những nội dung được thành phố đặc biệt quan tâm là cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công không ngừng được cải thiện. Trong giai đoạn 2016-2019, thành phố tích cực tiến hành rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm 201,5 tỷ đồng; thí điểm kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có những thủ tục hành chính được thực hiện liên thông giữa nhiều cơ quan đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội luôn nỗ lực đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác cải cách hành chính. Từ cuối tháng 7-2016, thành phố đã khai trương Cổng dịch vụ công thành phố. Tiếp đó, tháng 10-2018, hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp thành phố đi vào vận hành. Đến nay, Hà Nội có 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (đạt tỷ lệ 100%).

Cùng với đó, hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Từ năm 2016 đến nay, đã lựa chọn khảo sát, đo lường mức độ hài lòng đối với nhiều lĩnh vực. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các quy định liên quan về thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Kết quả nổi bật mang tính đột phá nữa là thành phố hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Trong đó, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp giảm 5/17 ban chỉ đạo do Thành ủy thành lập, 74/102 ban chỉ đạo do UBND thành phố thành lập; sắp xếp giảm 21/26 ban quản lý dự án và 121/401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố…

Đặc biệt, thành phố đã nghiên cứu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị và được Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bắt đầu được áp dụng từ giữa năm 2021. Ngoài ra, giai đoạn 2018-2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể giảm trên 400 biên chế; khối chính quyền giảm gần 1.500 biên chế…

Ngoài ra, thành phố Hà Nội chú trọng nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2017, thành phố ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội”. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao và chuẩn hóa, có sự chuyển biến về tư duy, phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng giải quyết công việc, thành phố chỉ đạo rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, trọng tâm là quy trình giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thống nhất, đồng bộ theo nguyên tắc “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), “một đầu mối, một việc xuyên suốt”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ đối với đội ngũ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn toàn thành phố đạt trung bình trên 98,81% (năm 2016) và đến năm 2019 là 99,86%. Thành phố đã ban hành khung quy định về chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với UBND cấp xã; chủ động ban hành quy định khung chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó, đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành và triển khai chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn, phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện. 

Với sự triển khai đồng bộ, toàn diện và quyết liệt Chương trình số 08-CTr/TU, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể là trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 7 bậc so với năm 2015). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU là tiền đề quan trọng để Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong quản lý, điều hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.