(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, tuy nhiên công tác này hiện nay vẫn còn hạn chế. Thành phố xem hoạt động này là khâu quan trọng, then chốt quyết định tiến độ thực hiện các dự án và quyết tâm tạo đột phá trong thời gian tới.
"Nghẽn" việc giải phóng mặt bằng
Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy hoạch phát triển đô thị đang được điều chỉnh theo hướng ngày càng mở rộng, số lượng các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn rất lớn. Hiện thành phố có 196 dự án đang thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tính chung trong 11 tháng của năm 2022, nguồn vốn giải ngân cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại thành phố chỉ đạt 21%.
Điển hình như tại thành phố Thủ Đức có tới 11 dự án phải tạm dừng triển khai trong giai đoạn 2021-2025 do ảnh hưởng từ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (trong tổng số 17 dự án của cả thành phố Hồ Chí Minh). Trong số này, có những dự án quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội như: Mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây Dựng); nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, thành phố phải tạm dừng các dự án này để dồn nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách hơn. Đó là các dự án được thành phố triển khai trong năm 2023 và các năm tiếp theo, như dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp; dự án đường Vành đai 3; dự án di dời hạ tầng phục vụ khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương)…
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án. Thành phố đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 3; công tác rà soát, thống kê, kiểm kê, thu thập tính pháp lý, xác định nguồn gốc đất được triển khai ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; việc mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo và quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác giải phóng mặt bằng.
Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, việc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2023 không chỉ có ý nghĩa về kết quả giải ngân, mà còn là tiền đề để các dự án đầu tư có sử dụng đất bảo đảm kế hoạch khởi công và hoàn thành đúng tiến độ.
Bảo đảm vốn giải ngân đạt 95%
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, trước khi thông qua chủ trương đầu tư dự án phải bảo đảm đủ 6 điều kiện khi Nhà nước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất: Dự án phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất; bảo đảm pháp lý về thu hồi đất; bảo đảm quỹ nhà ở, đất ở tái định cư trước khi thu hồi đất; thẩm định, phê duyệt theo giao dịch thực tế đối với giá đất cụ thể tính bồi thường, hỗ trợ; bảo đảm vốn chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm đúng quy định và phù hợp để tạo sự đồng thuận, ổn định cuộc sống của các trường hợp bị thu hồi đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước. Thành phố cũng sẽ bố trí vốn chi trả một lần cho dự án theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hồ Chí Minh áp dụng trên địa bàn thành phố với thời gian thực hiện bồi thường và giải phóng mặt bằng trong 300 ngày.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin, năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12-2022 là tăng khối lượng giải ngân vốn giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2023, bảo đảm giải ngân nguồn vốn cho công tác này đạt ít nhất 95%. “Lãnh đạo thành phố theo dõi, đôn đốc tổ công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu phải họp tiến độ hằng tuần, đặc biệt với các địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như thành phố Thủ Đức. Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, thành phố chỉ đạo bám sát tiến độ, bảo đảm đạt khối lượng giải phóng mặt bằng cao nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.