(HNM) - Cùng với 59 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội, thời điểm này, Đảng bộ quận Hà Đông đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận khóa XIX, nhiệm kỳ 2010-2015 là một nội dung trọng tâm được Quận ủy, các cấp ủy cơ sở triển khai. Theo đánh giá bước đầu, ngoài những kết quả đáng phấn khởi như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách tăng, bảo đảm an sinh xã hội… thì với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ quận Hà Đông đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu đại hội đề ra. Đặc biệt, quận đã tạo được đột phá trong công tác cán bộ, giáo dục - đào tạo, quản lý đô thị và thực hiện việc cưới, việc tang văn minh...
Đổi mới công tác cán bộ
Từ khi Hà Đông trở thành một trong 12 quận của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để xây dựng, quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi một đội ngũ cán bộ vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị lớn để tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Vì vậy, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ quận tới cơ sở trở thành nhiệm vụ cấp thiết, được Quận ủy cụ thể hóa ngay sau Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XIX bằng việc ban hành Đề án 03-ĐA/QU ngày 28-12-2010.
Còn nhớ, trước khi xây dựng Đề án 03-ĐA/QU, số cán bộ trẻ chỉ xấp xỉ 8,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy thiếu tin tưởng, chưa mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ. Sau khi đề án được ban hành, Hà Đông đã coi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản. Đơn cử như, quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ quận có 90 đồng chí thì tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm 44,4%, cán bộ nữ chiếm 38,9%; tỷ lệ cán bộ trẻ quy hoạch ban chấp hành đảng bộ cấp phường (dưới 30 tuổi) chiếm 41,2%, cán bộ nữ là 49,58% .
Thông qua thực hiện quy hoạch cán bộ, nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã lựa chọn, phát hiện được nhiều cán bộ trẻ có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao. Trong 4 năm qua, Quận ủy đã mở 171 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 27.000 lượt cán bộ, đảng viên, tăng 15% so với giai đoạn 2005-2010. Ngoài ra, Quận ủy còn mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức công tác Đảng, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 300 cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng, phó các phòng ban, ngành, đoàn thể, 6 chức danh chủ chốt cấp phường và các công chức trẻ. Hai lớp này đều do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy trực tiếp soạn giảng, chủ yếu là bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ trẻ. Quận ủy cũng xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút nhân lực trẻ về công tác tại quận. Ngoài công tác đào tạo bồi dưỡng, Hà Đông rất chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ trẻ xuống cơ sở. 5 năm qua đã có hàng chục cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) của quận được luân chuyển xuống giữ chức vụ chủ chốt các phường; có 13 cán bộ trẻ cấp quận được bổ nhiệm giữ chức danh chủ chốt. Các cán bộ trẻ sau khi được điều động, bổ nhiệm cơ bản đều phát huy tốt năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là cán bộ chủ chốt ở các phường. Chính điều này đã làm thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận của cán bộ, đảng viên ở địa phương đối với cán bộ trẻ. Quá trình đánh giá cán bộ, Đảng bộ quận luôn gắn sát với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Tuy nhiên, Quận ủy cũng nhận thấy, cần tiến hành thận trọng từng khâu, từng bước, không đốt cháy giai đoạn, có như vậy mới xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý.
Văn minh trong việc cưới, việc tang
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, Hà Đông là một trong những đơn vị đi đầu triển khai thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh và đã tạo được chuyển biến rõ nét. Đến nay, 92% đám cưới được tổ chức theo hình thức văn minh, tiết kiệm và hơn 50% đám tang thực hiện hỏa táng. Đây là việc khó, bởi liên quan đến tập tục bao đời nay của người dân nhưng quận Hà Đông đã làm được nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó chú trọng nêu gương đảng viên và lấy ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố làm nòng cốt tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện. Sau khi Quận ủy ban hành Chương trình số 06-CTr/QU ngày 12-1-2009 về "Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa", 100% chi bộ cơ sở đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này, yêu cầu các hộ gia đình, cán bộ, đảng viên cam kết thực hiện cưới, tang, mừng thọ theo các quy định Quận ủy đề ra. Cụ thể, khi gia đình đảng viên có việc cưới, việc tang phải tổ chức tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật cầu kỳ. Đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, không chơi cờ bạc, không mở loa đài công suất lớn trước 5h, sau 22h… Sau 5 năm thực hiện, số mâm cỗ trong các đám cưới đã giảm từ 80 đến 100 mâm xuống còn dưới 40 mâm, đặc biệt không còn tình trạng chơi cờ bạc công khai, ngày càng có nhiều đám cưới dùng thiếp báo hỷ, tổ chức liên hoan bánh kẹo, tiệc trà. Số đám tang thực hiện hỏa táng ngày càng nhiều. Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy với chủ trương tổ chức tiệc cưới mời không quá 300 khách (tương đương 50 mâm), Đảng bộ quận tiếp tục ban hành Nghị quyết 7B-NQ/QU điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên vẫn khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng quy định 40 mâm của Chương trình 06. Gia đình nào chấp hành tốt được tổ dân phố, phường trực tiếp biểu dương, khen thưởng. Ngược lại, gia đình nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không chấp hành đều bị nhắc nhở và xử lý. Với chế tài nghiêm ngặt, Quận ủy, các Đảng ủy đã xử lý 20 cán bộ, đảng viên vi phạm, nặng là chuyển công tác, nhẹ là khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở, gửi thông báo đến cơ quan quản lý... Điều đó khẳng định quyết tâm tạo chuyển biến trong việc cưới, việc tang của Đảng bộ quận Hà Đông.
Quyết tâm tạo bộ mặt đô thị mới
Trong 7 chương trình công tác toàn khóa, Quận ủy Hà Đông đã dành hẳn một chương trình (Chương trình 04) để tăng cường công tác quản lý đô thị. Hơn 4 năm triển khai Chương trình 04-CTr/QU gắn với thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", ngoài việc tạo cho bộ mặt đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, bước đầu đã hình thành ý thức kinh doanh văn minh trong người dân. Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình 04 là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó chi bộ các tổ dân phố là nòng cốt trong công tác tuyên truyền. Kết quả đã vận động 46.600 hộ gia đình, 520 cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận ký cam kết tự quản lòng đường, vỉa hè. Khẩu hiệu văn minh trong kinh doanh, thương mại được UBND quận cụ thể hóa bằng các tiêu chí như: Để xe máy, ô tô đúng nơi quy định; kinh doanh có văn hóa, không làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng; không xây dựng trái phép, sai phép... UBND quận đã rà soát và bố trí 30 vị trí (diện tích hơn 8.600m2) để xe đạp, xe máy trên vỉa hè và 31 điểm đỗ xe dưới lòng đường (diện tích hơn 11.300m2). Ngoài ra, UBND quận đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị cho lực lượng thanh tra xây dựng, cán bộ chuyên trách của 17 phường. Đặc biệt, quận chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các phường bố trí cán bộ đảm trách nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị, đồng thời chọn một số tuyến phố làm điểm nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân ra diện rộng. Đảng ủy các phường yêu cầu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện. Với cách làm này, từ lúc ban đầu phải xử lý hành chính, đến nay hầu hết các hộ kinh doanh đã có ý thức tự giác thực hiện văn minh trong kinh doanh, thương mại, để bàn ghế, ô tô, xe máy đúng nơi quy định. Rõ ràng, Hà Đông đã tạo được sự chuyển biến ban đầu quan trọng trong công tác quản lý đô thị, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, cùng chung tay xây dựng quận ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm với đô thị có lịch sử 110 năm tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.