Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá mới phát triển nông nghiệp

Hoài Văn| 22/06/2022 06:30

(HNM) - Những năm vừa qua, nông nghiệp Hà Nội đã có bước chuyển tích cực, tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận: Ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy, đâu là giải pháp để tạo đột phá tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề cập.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã rau Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Hà Nội là Thủ đô - đô thị đặc biệt, có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 58% nên nông nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Một trong những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá được chỉ rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội là: Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11-10-2021 cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng: Đẩy mạnh, tạo bước đột phá và xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tập trung hỗ trợ các địa phương hình thành chuỗi giá trị nông sản; xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chủ lực như: Lúa hữu cơ, nhãn chín muộn...

Trong khi đó, thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, huyện Thanh Oai đã phát triển 3.000ha lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng an toàn, khép kín.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Nội như: Rau an toàn cho thu nhập từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; cây ăn quả từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; hoa, cây cảnh từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm… mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Nông nghiệp, tái cơ cấu ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…

Kết nối chuỗi gắn với sản phẩm chủ lực

Thực tế cho thấy, việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm chủ lực và kết nối chuỗi nông sản toàn cầu còn nhiều lực cản. Có những vấn đề là điểm yếu cố hữu, chậm được khắc phục như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo “phong trào”, không theo tín hiệu thị trường… dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm cục bộ khi vào vụ thu hoạch. Có những vấn đề do chưa có cơ chế, giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản… nên chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp không cao. Mặt khác, nhiều địa phương chưa phát huy được các hình thức liên kết phù hợp với mỗi ngành hàng, chính sách hỗ trợ liên kết còn nhiều bất cập…

Tại nhiều vùng trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố, bên cạnh khó khăn trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong sản xuất của người nông dân thì hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, hệ thống thủy lợi, tiêu thoát nước, giao thông nội đồng thiếu đồng bộ...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có chung đề xuất. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, người dân về vốn, khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Để tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2022-2025, thời gian tới, cùng với việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung, tạo nền tảng hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước mắt là ưu tiên các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, kho bãi, nhà xưởng…

Đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tiến trình phát triển, ngành Nông nghiệp Thủ đô, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tạo được bước đột phá mới về cơ chế, chính sách cũng như giải pháp triển khai để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá mới phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.