Công nghệ

Tạo động lực thi đua nghiên cứu, sáng tạo

Thu Hằng 26/09/2023 - 07:58

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất đã khép lại với 58 đề tài được vinh danh. Các đề tài đoạt giải có tính ứng dụng cao, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo động lực cho phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo tại thành phố Hà Nội.

to-sen.jpg
“Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng sen sản xuất sợi tơ sen” là một trong những đề tài có tính ứng dụng cao. Trong ảnh: Bà Phan Thị Thuận (huyện Mỹ Đức) dệt lụa tơ sen.

Từ những công trình khoa học...

Dầu mỡ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc xả ra hệ thống thoát nước chung, góp phần gây ô nhiễm môi trường nước các sông, hồ. Trước thực tế đó, các kỹ sư của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm tách dầu mỡ lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ để giải quyết tình trạng ô nhiễm dầu mỡ động, thực vật hoặc dầu mỡ khoáng ở Hà Nội.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh, thiết bị có giá thành chỉ bằng 50% so với các sản phẩm nhập khẩu cùng công suất, có độ bền cao, chống ăn mòn, chịu lực tốt, ngăn mùi, đa dạng về chủng loại. Thiết bị thường được lắp đặt chìm cùng hệ thống thoát nước trong nhà nên không tốn diện tích, công tác vận hành và bảo dưỡng đơn giản. Với hiệu quả tách lọc dầu mỡ trong nước thải cao từ 90-95% giúp tránh được tình trạng tắc nghẽn hệ thống thoát nước, giảm chi phí nạo vét, duy trì và sửa chữa, thay thế. Đề tài này đã đoạt giải Nhì của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường.

Chia sẻ về đề tài đoạt giải Nhất lĩnh vực y, dược Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất, GS.TS Nguyễn Duy Ánh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, bệnh lý rau cài răng lược là biến chứng sản khoa nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng người mẹ. Tỷ lệ bệnh tật của mẹ đã được báo cáo có thể xảy ra lên đến 60% và tỷ lệ tử vong lên đến 7%. Đến nay, phương pháp mổ lấy thai rồi cắt tử cung được chấp nhận rộng rãi trong quản lý các trường hợp này. Tuy nhiên, việc cắt bỏ tử cung đã để lại nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ. Trước thực tế này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát triển một phương pháp phẫu thuật mới với tên gọi: Phẫu thuật bảo tồn tử cung đơn giản trong bệnh lý rau cài răng lược không có dấu hiệu nghi ngờ đâm xuyên” (SCAPAS).

Phương pháp SCAPAS sử dụng các kỹ thuật cơ bản trong phẫu thuật sản phụ khoa, không đòi hỏi máy móc, trang thiết bị đặc thù hay nguồn nhân lực cần được đào tạo chuyên sâu. Với kỹ thuật đơn giản, phẫu thuật SCAPAS đã đáp ứng mong đợi tương đương với phương pháp phẫu thuật bảo tồn khác nhưng tỷ lệ biến chứng thấp hơn, có thể áp dụng được ở hầu hết trung tâm sản khoa có khả năng phẫu thuật. Thành công của đề tài đã mang lại hiệu quả to lớn cả về tinh thần và thể chất cho phụ nữ cũng như cho toàn xã hội.

... đến những sáng chế của nông dân

Trong danh sách 58 đề tài đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất, đề tài “Máy nông nghiệp đa năng” đoạt giải Nhì lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông - vận tải của anh Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được nhiều người chú ý.

Nhà sáng chế “chân đất” này gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh học nghề sửa chữa xe máy rồi mở một cửa hàng nhỏ ở địa phương. Anh đã mày mò, tự chế tạo ra hàng loạt máy nông nghiệp đa năng giúp người dân trên cả nước giảm công sức trong lao động. Chiếc máy nông nghiệp đa năng AHM do anh sáng chế và nâng cấp dần từ năm 2005 đến nay có thể thực hiện được 20 chức năng như: Làm đất, phun thuốc sâu, bơm nước, cày, bừa, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, tời, bơm nước, đào hố trồng cây… Đặc biệt, máy có thể điều khiển từ xa, nông dân không phải tốn công sức vận hành máy.

Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng sen sản xuất sợi tơ sen” của bà Phan Thị Thuận (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng rất được chú ý. Năm 2017, lần đầu tiên bà Thuận bắt đầu nghiên cứu làm lụa tơ sen. Sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, bà cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Bà cho biết, quãng thời gian thử nghiệm sản xuất tơ sen là vô cùng khó khăn với rất nhiều thất bại. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi, bà đã dệt nên những vuông lụa sen mềm mượt, mịn mướt, qua đó nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, thành công của hội thi đã góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và nhân dân lao động Thủ đô. Các đề tài, dự án đoạt giải tiếp tục được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa để khuyến khích năng lực sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra những đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực thi đua nghiên cứu, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.