Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững

Hà Nga Hiền| 31/10/2020 06:50

(HNM) - Đồng tình với đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội; tầm nhìn và định hướng phát triển cũng như quan điểm tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh, bền vững… là những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ sẽ tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xuất khẩu (EMTC): 
Mục tiêu cụ thể, ở mức cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được 

Tôi tán thành với định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Tôi cho rằng, những mục tiêu đều rất cụ thể, ở mức cao, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích lũy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế…

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025, tôi rất tâm đắc với việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta hoàn thành mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): 
Huy động sức dân, dựa vào nội lực luôn là phương châm đúng nhất 

Tôi đồng tình với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đặc biệt là những nhận định lớn như kinh tế vĩ mô dần ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Những nhận định của dự thảo báo cáo rất phù hợp với tình hình thực tiễn, như: Kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm… Điều này thể hiện rất rõ trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian qua. Việt Nam vững bước và tự tin đi lên là một nền kinh tế quan trọng của khu vực, có độ mở cao.

Tôi tâm đắc nhất về bài học kinh nghiệm “Phải kịp thời đổi mới tư duy và hành động, thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đầy đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định”. Điều này không chỉ đúng trong thời gian vừa rồi và sẽ tiếp tục đúng trong thời gian tới.

Cần phải luôn kịp thời đổi mới tư duy và hành động hơn nữa trước đòi hỏi của thực tế, kỳ vọng của nhân dân và định hướng phát triển của đất nước. Luôn có tâm thế chủ động và thích ứng với bối cảnh mới của thế giới - đó là luôn thay đổi, khó lường. Khoa học công nghệ cũng sẽ thay đổi như vũ bão, nên tư duy, kiến thức, trình độ quản lý và khả năng cập nhật của doanh nghiệp, người dân và của bộ máy nhà nước cần phải luôn kịp thời điều chỉnh. Và trong mọi điều kiện thì huy động sức dân, dựa vào nội lực luôn là phương châm đúng nhất.

Ông Lưu Hải  Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải:
Tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội

Tôi đánh giá cao các nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo đã phân tích cụ thể, sâu sắc những thành tựu trên các lĩnh vực, chỉ ra thực trạng phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua cũng như những hạn chế, yếu kém và chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.

Tôi tâm đắc nhất về phần quan điểm chỉ đạo trong dự thảo nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, theo tôi, việc Trung ương Đảng nhấn mạnh tới nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, là rất đúng đắn, gắn với xu thế của thời đại.

Mặc dù rất ngắn gọn nhưng nội dung này đã nêu bật được những động lực phát triển đất nước thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, một trong những yêu cầu đặt ra là cần tập trung tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ để tạo hệ sinh thái khoa học công nghệ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có như thế mới gắn nghiên cứu với tạo ra sản phẩm mới, phục vụ đời sống, tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.