(HNMCT) - Sự phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật đương đại cùng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng đã làm nảy sinh trong lòng phố nhiều không gian nghệ thuật mới. Dẫu vậy, quy mô và tính chuyên biệt của những không gian này vẫn khiến người quan tâm đến mỹ thuật đương đại cảm thấy chưa thỏa mãn. Họ khao khát một không gian đủ sức phác họa nét cơ bản về bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật Việt Nam đương đại giữa lòng Thủ đô.
“Có” mới thấy “thiếu”
Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai trương một không gian mới dành cho mỹ thuật đương đại. Trước sự kiện này, nhiều người bỗng giật mình nhận ra mỹ thuật đương đại dù đã có những bước phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn thiếu những không gian xứng tầm.
Nhìn lại các không gian cho mỹ thuật ở Thủ đô hiện nay, có thể thấy, dù hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, không gian sáng tạo... khá đa dạng nhưng vẫn chưa có nhiều địa chỉ dành riêng cho mỹ thuật đương đại. Trong đó, ngoài hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày do nhà nước quản lý, hiện có một số địa điểm có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các họa sĩ đương đại như VCCA, Manzi Art Space, Viện Goethe, Viện Pháp tại Hà Nội... Nổi bật nhất và có lẽ chuyên nhất trong số này là Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA - được xây dựng trong tầng hầm khu đô thị Royal City, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Với tổng diện tích lên tới gần 4.000m2, VCCA không chỉ là sân chơi có quy mô lớn mà còn là trung tâm nghệ thuật độc đáo với không gian trưng bày tràn ngập ánh sáng trong lòng đất. Từ khi thành lập (năm 2017) đến nay, không gian này đã giới thiệu nhiều tác phẩm có giá trị, các xu hướng nghệ thuật mới và cả các hình thức triển lãm mới lạ.
Tuy nhiên, hoạt động ở các không gian nói trên đều mang tính kỳ cuộc, đan xen với các hoạt động khác, chưa phải điểm đến thường xuyên mà người quan tâm tới mỹ thuật đương đại nhất định phải đến. Chính vì vậy, trong buổi khai mạc Phòng trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: Lâu nay, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại vẫn được trưng bày chung nên chúng ta chưa có điều kiện hình dung "bức tranh" toàn cảnh về mỹ thuật đổi mới từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước đến nay.
Đòi hỏi từ thực tế
Việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương một không gian mới dành cho mỹ thuật đương đại được đánh giá là "việc phải làm”, bởi trong thực tế, mỹ thuật đương đại đã và đang có bước phát triển rất mạnh mẽ.
Theo đánh giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Từ sau Đổi mới (1986), Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Bầu không khí đổi mới đã góp phần tạo thêm sinh khí và cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ, nhà điêu khắc. Nhiều khuynh hướng, tư duy sáng tác mới được họ tiếp nhận một cách nhanh chóng, có chọn lọc, từng bước tô đậm thêm diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam - một nền mỹ thuật giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại. Sáng tác trong giai đoạn từ những năm 1980 đến nay của nhiều thế hệ họa sĩ, từ những người khá lớn tuổi như Trịnh Cung (sinh năm 1939), Nguyễn Trung (sinh năm 1940) cho tới các họa sĩ 7x, 8x như Bùi Tiến Tuấn, Vũ Đình Tuấn, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Bình Chương, Lê Thế Anh..., đã cho thấy những nét tiêu biểu của ngôn ngữ mỹ thuật đương đại, thoát ra khỏi đề tài công - nông - binh của thế hệ trước.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ thêm, từ năm 2010, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dành một không gian trưng bày riêng cho mỹ thuật đương đại trong hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí không thuận tiện cho lộ trình tham quan và diện tích trưng bày nhỏ nên phần trưng bày này khá hạn chế, cho dù bộ sưu tập tác phẩm đương đại của bảo tàng liên tục được cập nhật. Ngay cả 65 tác phẩm mỹ thuật được chọn trưng bày tại phòng triển lãm này cũng mới chỉ là một số gương mặt đại diện cho một số thể loại như hội họa, đồ họa, điêu khắc...
Mặc dù với không gian mới này, số lượng trưng bày chưa nhiều, song theo đánh giá của họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Không gian Mỹ thuật Việt Nam đương đại là tín hiệu vui trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà giới họa sĩ vẫn nói vui là thập niên mỹ thuật bắt đầu cuộc đổi mới lần thứ 2, sau thập niên 80 của thế kỷ trước, với sự kỳ vọng dành cho thế hệ họa sĩ trẻ. Đây là cuộc "lật trang" hết sức đẹp đẽ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và là cú hích cho mỹ thuật đầu năm Nhâm Dần 2022. Trong khi chúng ta chưa có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đương đại và việc có được bảo tàng này vẫn còn là "giấc mơ xa", việc bảo tàng dành riêng 2 tầng cho mỹ thuật đương đại với 65 tác phẩm đầu tiên được trưng bày đã ít nhiều giúp người trong giới hình dung, dù chưa hẳn đầy đủ, về lộ trình xuyên thế kỷ của mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Cần có những không gian đặc trưng
Nhìn ra thế giới, có thể nhận thấy số bảo tàng dành cho nghệ thuật đương đại đang tăng lên nhanh chóng và mang đặc điểm khác biệt so với bảo tàng truyền thống. Theo họa sĩ Trần Thanh Cảnh: Nghệ thuật đương đại với các loại hình như hội họa, video art, nghệ thuật trình diễn, điêu khắc, sắp đặt... cần một không gian và chắc chắn là không gian ấy sẽ vượt ra khỏi không gian nghệ thuật thông thường. Không gian dành cho nghệ thuật đương đại phải được thiết kế rất đặc thù, ví dụ, phòng dành cho video art phải là một phòng tối hoàn toàn, còn phòng dành cho sắp đặt tương tác phải có diện tích và một vài yếu tố riêng khác... Việc tác phẩm được bày biện như thế nào trong không gian và không gian ấy tương tác thế nào với công chúng rất quan trọng đối với nghệ thuật đương đại nói chung và mỹ thuật nói riêng.
Chẳng hạn, để phù hợp với các trưng bày mỹ thuật đương đại, VCCA được thiết kế rất linh hoạt theo phong cách tối giản, tinh tế, là không gian trưng bày các tác phẩm thể hiện ngôn ngữ sáng tác, cá tính và tư tưởng của các nghệ sĩ. Bên cạnh khu triển lãm chính với cửa sổ trời và mặt bằng có khả năng thay đổi linh hoạt theo từng sự kiện, trung tâm còn có phòng chiếu video, xưởng sáng tạo, lớp học mỹ thuật, thư viện, trà quán và kho lưu trữ, bảo quản tác phẩm được trang bị hệ thống kiểm soát không khí và độ ẩm theo chuẩn quốc tế.
Hay Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (FCAM) ở Vĩnh Phúc được khai trương cuối năm 2020 cũng được thiết kế đặc biệt để phù hợp với các tác phẩm đương đại. FCAM hiện có hai khu trưng bày ngoài trời và trong nhà. Khu trưng bày ngoài trời hiện bao gồm 56 tác phẩm điêu khắc, điêu khắc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, với sự đa dạng về kích thước, có bức cao đến hơn 20m, hoặc nặng hơn 27 tấn, đa dạng chất liệu như thép không gỉ, sắt hàn, sắt hàn và đá, kim loại tổng hợp, gỗ...
Thế nên, dù Hà Nội đã có nhiều không gian cho mỹ thuật thì các nghệ sĩ vẫn khao khát có những địa điểm đủ khả năng tôn vinh tác phẩm của mình. Trong buổi khai trương VCCA cách đây 5 năm, họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Anh em nghệ sĩ trông chờ hết thập niên này đến thập niên khác một trung tâm như thế này. Điều này tạo động lực để nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm xứng tầm”.
Khi nói về việc đưa tác phẩm mỹ thuật đương đại đến với công chúng, Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo dùng hình ảnh rất thú vị. Ông nói: "Tựu trung, các tác phẩm nghệ thuật mới đến cùng những hình thức giám tuyển và triển lãm mới, những khán giả mới. Những khía cạnh đa dạng đó đang tạo nên nền tảng định hình “cái chất” của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong tương lai. Khi lá tụ lại để thành tán, rồi tán chen tán phủ thành những cánh rừng sum suê tươi tốt, cũng là lúc chúng ta có thể hình dung về một hệ sinh thái dồi dào cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam”. Hy vọng Hà Nội sẽ sớm có thêm những không gian “chất” để các nghệ sĩ đương đại thỏa sức sáng tạo hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.