(HNM) - Đổi mới hoạt động để các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (trong đó hợp tác xã là nòng cốt) sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế tập thể, ngày 2-2, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Những chuyển động tích cực
Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đặc biệt là triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố đã và đang có những chuyển động tích cực.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến, trên địa bàn Thủ đô có 2.021 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 1.314 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (chiếm 65% tổng số hợp tác xã). Doanh thu bình quân hằng năm của các hợp tác xã đạt khoảng 2,5 tỷ đồng; thu nhập trung bình của thành viên các hợp tác xã là 57 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, đến nay Hà Nội đã có hơn 80 hợp tác xã hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ việc đổi mới hoạt động, các hợp tác xã đã chứng minh được thế mạnh, trở thành một chủ thể kinh tế vững chắc tại địa phương. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, hợp tác xã có hơn 30ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; xây dựng nhà sơ chế, bảo quản cho rau, củ, quả, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn. Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số kênh phân phối lớn như siêu thị Big C, hệ thống bán lẻ T-mart… mỗi ngày cung ứng cho thị trường 6-7 tấn rau, củ, quả các loại.
Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp tác xã đã trở thành một thành phần kinh tế chủ lực tại nhiều địa phương. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thông tin, các hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động đổi mới hoạt động, phát huy nguồn lực, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đến nay Thường Tín đã có 14 mô hình liên kết chuỗi; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch...
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, hiện đại là xu thế tất yếu, thế nhưng cũng có một thực tế là hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn thành phố còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu phát triển. Số lượng hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao không nhiều, một số địa phương chưa chú trọng phát triển kinh tế tập thể.
Chủ động các giải pháp
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngày 2-2-2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.
Chú trọng củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích và áp dụng phương thức quản lý mới hiệu quả, Chương trình hành động số 20-CTr/TU đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã; thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; 100% số hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Đồng thời, củng cố từ 1.200 hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 100% quỹ tín dụng nhân dân và hợp tác xã dịch vụ điện năng thực hiện chuyển đổi số…
Về các giải pháp triển khai, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến cho biết, Liên minh sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương của thành phố, trong đó chú trọng đổi mới chất lượng hoạt động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số là những giải pháp hàng đầu, giải pháp có tính đột phá.
Nhấn mạnh việc nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, sự chủ động của các hợp tác xã, sự vào cuộc của chính quyền địa phương vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Và, công nghệ số phải được chú trọng phát triển tại các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để tạo ra nền kinh tế tập thể số, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.