Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế

Phương Nhi| 21/11/2016 07:17

(HNM) - Đổi mới lề lối làm việc, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà cho người dân là những ưu tiên của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong thời gian qua, góp phần tạo


Tiếp nhận thủ tục tại bộ phận “một cửa” Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Bích Liên


Theo Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, cải cách TTHC là khâu đột phá của ngành. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Sở đã rà soát đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, cắt giảm về thời gian thực hiện TTHC theo thẩm quyền được giao, giảm từ 30 đến 50% thời gian giải quyết TTHC. Đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận (GCN) giải quyết theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP (ngày 15-5-2014), thời gian giải quyết cấp GCN từ 20 đến 30 ngày, nay Sở TN-MT đã giảm xuống còn không quá 14 ngày, cùng với đó là liên thông với Cục Thuế Hà Nội trong việc luân chuyển và giải quyết hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính về nhà, đất trên địa bàn. Công khai, minh bạch TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Cổng thông tin điện tử của Sở trên trang web: http://www.tnmtnd.hanoi.gov.vn.

Tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Giám đốc Lê Tuấn Định chia sẻ: "Một trong những điểm tháo gỡ vướng mắc, chưa hiểu của người dân trong việc làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là việc lập hòm thư điện tử và đường dây nóng (04.37731560, vanthu_sotnmt@hanoi.gov.vn). Nhờ đó, giảm áp lực cho bộ phận giải quyết hồ sơ và người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại nhiều lần".

Ông Nguyễn Ngọc Hải, trú tại khu Văn Phú - Hà Đông nhận xét: Trước đây người dân luôn bức xúc bởi hệ thống các quy trình thủ tục rườm rà và nhiêu khê, từ đó ngại đến các cơ quan đăng ký đất đai vì sợ “bị hành là chính”, nhưng giờ mọi việc đã thay đổi, việc cấp và giải quyết thủ tục rất thuận tiện. Cán bộ hướng dẫn tận tình chỉ cho tôi những thủ tục còn thiếu để hoàn thiện...

Với mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6-2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Hà Nội đang tập trung thực hiện hàng loạt các giải pháp cải cách TTHC theo hướng đơn giản, rút gọn quy trình. Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tính pháp lý của thửa đất để xét cấp GCN. Cụ thể, từ ngày 8-11-2016, đối với việc cấp GCN cho tổ chức, chủ sử dụng đất không phải nộp bản đồ địa chính khi nộp hồ sơ.

Khi thẩm định hồ sơ, đối với nơi đã có bản đồ địa chính, Sở TN-MT có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp GCN, không phải chuyển UBND cấp xã nơi có đất xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện. Đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, Sở thuê đơn vị có tư cách pháp nhân hành nghề đo đạc bản đồ đo trích lục bản đồ địa chính hoặc bản trích đo địa chính thửa đất theo quy định, lấy xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện của UBND cấp xã nơi có đất.

Thành phố bỏ thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp huyện nơi có đất xác nhận việc quản lý, sử dụng đất và đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức. Đối với trường hợp ranh giới thửa đất không rõ ràng hoặc có tranh chấp, bỏ thủ tục nộp bản sao công chứng hoặc chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư của người sử dụng đất. Đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, đang sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí, ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê (kể cả trường hợp sử dụng đất có diện tích đất nhỏ hơn, nằm trong ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê) thì không phải lấy thông tin quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và chỉ giới đường đỏ...

Với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, cùng với nỗ lực trong cải cách TTHC, nhiều khó khăn sẽ được dần tháo gỡ và góp phần tạo ra "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.