Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo “đòn bẩy” khuyến khích nông nghiệp đột phá

L.H| 23/02/2012 11:31

(HNMO) - Sáng 23/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp tục chủ trì phiên họp tập thể tháng 2/2012 để bàn về Tờ trình ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, huy động nguồn lực nông thôn mới TP Hà Nội, giai đoạn 2012 – 2016.


Đề xuất các mức hỗ trợ mạnh

Dự thảo tờ trình của Sở NN- PTNT cho biết: Sản xuất nông nghiệp 5 năm qua đạt tốc độ tăng trưởng 3,4%/năm… Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 5,7 triệu đồng/năm 2006 lên trên 13 triệu đồng/năm 2010. Trong những năm qua, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, song những chính sách này áp dụng chung trong cả nước. Đối với Hà Nội, số lượng lao động nông nghiệp trực tiếp ít, ngành nghề thủ công phát triển, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị khác xa. Để nông nghiệp có tốc độ phát triển nhanh hơn, tạo ra sức bật mới, cần phải có chính sách cụ thể được áp dụng dựa trên những quy định của Trung ương và thực tiễn thành phố.

Do đó, dự thảo lần này đề xuất các tổ chức, hộ sản xuất trồng trọt sẽ được hỗ trợ 50% giá trị máy móc, thiết bị theo hóa đơn bán hàng tại thời điểm mua đối với: máy làm đất; máy gieo hạt, máy cấy; máy gặp đập liên hợp; máy sấy hạt, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy. Các tổ chức, hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm công nghiệp được hỗ trợ 50% giá mua máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở, hộ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc hỗ trợ xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và giết mổ gia súc, gia cầm để thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm: hỗ trợ chi phí đền bù GPMB; hỗ trợ hạng mục công trình xử lý chất thải; hỗ trợ 30% giá trị thiết bị dây chuyền, máy móc sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản (tổng mức tối đa không quá 5 tỷ đồng); hỗ trợ toàn bộ hạ tầng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp do UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư.

Mặt khác, việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới, ngân sách cấp TP (bao gồm ngân sách Trung ương) hỗ trợ xã để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu sẽ có các hạng mục như: xây dựng, nâng cấp đường giao thông trục chính đến trung tâm xã; trụ sở xã (nhà làm việc, hội trường…); xây dựng, cải tạo nâng cấp trường mầm non công lập, trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; nhà văn hóa xã. Mức hỗ trợ từ ngân sách cấp TP sẽ hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng thiết yếu trong đề án xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 40 tỷ đồng đối với xã loại 1; 35 tỷ đồng xã loại 2; 30 tỷ đồng xã loại 3 thuộc các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mê Linh. Hỗ trợ 40% tổng mức đầu tư hạ tầng thiết yếu trong đề án của xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 35 tỷ đồng đối với xã loại 1; 30 tỷ đồng xã loại 2; 25 tỷ đồng xã loại 3 thuộc các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm và Thị xã Sơn Tây.


Chính sách đề xuất chưa chắc, còn nhiều băn khoăn

Tham luận tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp cho biết: Với vị trí vai trò của Thủ đô, cơ chế chính sách phải là động lực để phát triển nông nghiệp Thủ đô. Nông nghiệp Thủ đô phải có đặc trưng riêng, nên cũng cần có chính sách riêng. Đối tượng thụ hưởng chính sách cũng không hạn chế bao gồm tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình. Tuy nhiên việc đưa ra các chính sách phải mang tính tập trung, trọng tâm trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải lãng phí vì hiện nay Hà Nội còn nhu cầu đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác.

Băn khoăn về mức đề xuất hỗ trợ của Hà Nội sẽ quá “phóng tay”, bà Phùng Thị Hồng Hà- Phó Giám đốc Sở Tài chính bày tỏ: Nếu không khống chế tổng mức đầu tư, sẽ rất khó thực hiện. Quy định hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đang đề xuất vượt mức trần của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ chăn nuôi thủy sản tập trung (chăn nuôi, giống 100%), mức như vậy quá cao…

Trả lời băn khoăn của bà Hà, ông Trần Xuân Việt- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ: mức hỗ trợ cao hơn TƯ của Hà Nội đối với một số lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội đã áp dụng từ 2008 sau trận lụt; việc hỗ trợ nuôi thủy sản chỉ thực hiện ở vùng tập trung, không để trùng nhau.

Cũng góp ý về mức hỗ trợ, ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư bày tỏ: Tờ trình phải cụ thể hóa chính sách TƯ đã áp dụng trên địa bàn. Khuyến khích các dự án nông nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất theo hướng hỗ trợ lãi suất cho vay hiệu quả hơn việc ngân sách cấp. TP HCM đã thực hiện khá tốt vấn đề này. Với hạ tầng xây dựng nông thôn mới, từ nay đến 2015, với 160 xã cần đầu tư 30 tỷ/xã, khó cân đối; phải chọn các công trình quan trọng nhất như: đường trục chính, trường học đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa. Phần dồn điền, đổi thửa có thể ủng hộ; nhưng mức đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/ha sợ chưa đủ; chính sách nhà nước cần hỗ trợ. Ngoài ra, liên quan đến việc hỗ trợ cho các khu chế biến, phải xác định quy mô; ví như cơ sở giết mổ bao nhiêu con sẽ được hỗ trợ… 

Bên cạnh đó, ông  Nguyễn Văn Nam – Trưởng ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP nói: Thống nhất cao cần có cơ chế chính sách đủ mạnh khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tuy nhiên cần khuyến khích như thế nào và tổ chức ra sao? Tờ trình chưa tập hợp chính sách TƯ đã có và thực hiện trên địa bàn. Hầu hết các quy định hỗ trợ thêm của TP đều mở rộng hơn, khó triển khai, nhất là với việc hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ dồn điển đổi thửa là cần thiết, nên hỗ trợ phần đo đạc, vẽ bản đồ, cấp lại chứng nhận; Với những quận huyện khó khăn ngân sách TP hỗ trợ. Quy định hỗ trợ về giống, phải quy hoạch chương trình sản xuất giống không thể cấp tràn hỗ trợ cho các xã. Hỗ trợ phòng chống thiên tai dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, Chính phủ đã quy định rất rõ chỉ hỗ trợ trong thời gian có dịch; tờ trình không nói rõ, nên mức hỗ trợ rất rộng. Kiến nghị, TP nên quy định mức hỗ trợ những chính sách cao nhất của TƯ, hướng dẫn tạo thuận lợi cho người thụ hưởng. Với những quy định thêm của TP, tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, dồn điển đồi thửa, ngân sách có thể hỗ trợ 100%. Miễn giảm tiền thuê đất có thể áp dụng mức cao nhất. Riêng với sản xuất giống nên có chương trình, dự án cụ thể để quản lý, không tràn lan.

Trả lời các ý kiến thắc mắc của các đại biểu, ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN-PTNT phân trần: Việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp rất khó, lại thực hiện trong thời gian ngắn, từ 2012 – 2016. Chủ trương của TP là xây dựng các vùng hàng hóa, được thể chế hóa, không phải là đề xuất mới. Máy móc đầu tư được TP hỗ trợ hiện nay cũng chỉ được một số ít và được quản lý chặt. Ngoài ra, vấn đề quản lý dịch bệnh hiện là vấn đề rất khó, TP đang gia sức chống dịch cúm gia cầm, triển khai phòng dịch tốt. Đề án này thể chế hóa những vấn đề đang thực hiện, không phải là những đề xuất quá mức. Dự thảo có đề xuất xây thêm 40.000 bể lọc đến 2016, ở khác khu vực chưa có nhà máy cấp nước, nguồn nước đang bị nhiễm asen nặng; Khuyến khích phát triển các vùng lúa, hoa, rau, tăng trưởng 300%/năm.

Đồng tình với ý kiến của ông Vân, ông Lê Văn Hoạt – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP đánh giá việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp rất khó; tuy nhiên những đề xuất trong tờ trình lần này chưa chắc tay dù đã được xây dựng cả năm nay. Chính sách xây dựng chưa chắc không nên vội làm, vì sẽ phá rất lớn; cần hạn chế việc hỗ trợ 100%, nhất là hỗ trợ trực tiếp.

Phải tạo đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh Sở NN-PTNT đã chuẩn bị được Tờ trình, báo cáo thuyết minh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô khá công phu. Tuy nhiên, qua ý kiến của các đại biểu phải xây dựng chính sách đồng bộ và phù hợp hơn. TƯ giao cho Hà Nội 200 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới/năm; nhưng nếu không có cơ chế cụ thể sẽ không thực hiện được mục tiêu đề ra. Hà Nội đang có 401 xã, việc phát triển tam nông rất khó. Chủ tịch đề nghị thống nhất khi xây dựng chính sách phải khuyến khích đầu tư theo đúng mục tiêu quy hoạch đã thông qua; phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước. Những cơ chế đưa ra là những gì Chính phủ, TP chưa có; các cá nhân không có điều kiện thực thi nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Những cú huých từ chính sách này phải tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Mặt khác, tờ trình phải xác định rõ việc khuyến khích ai, hỗ trợ gì; đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Cần hỗ trợ lãi suất để phát triển hạ tầng nông nghiệp, vùng sản xuất trang trại, đầu tư cơ sở chế biến; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất, chế biến nông nghiệp; hỗ trợ chế biến, tiêu thụ; xúc tiến, quảng bá thương mại. Xác định tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp. Ngoài ra quy trình chính sách phải dễ hiểu, dễ thực hiện, quy định rõ thẩm quyền trách nhiệm, tạo đòn bẩy phát triển nông nghiệp trong những năm tới. Nông nghiệp Hà Nội phải phát triển theo hướng hiện đại, sinh thái và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo “đòn bẩy” khuyến khích nông nghiệp đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.