(HNM) - Trong các số báo ra ngày 4 và 5-4, Báo Hànộimới đã đăng loạt bài
Sản xuất hàng kim khí xuất khẩu tại Công ty TNHH Tâm Hợp (huyện Sóc Sơn).Ảnh: Nhật Nam |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Nhiều giải pháp hỗ trợ tối đa
Sở Công Thương đã quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công nhân viên chức nội dung Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 2-3-2018 của UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 1-9-2017 của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Hà Nội đã quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2030 với tổng số 159 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 3.204ha, thu hút kinh tế tư nhân đầu tư sản xuất công nghiệp; quy hoạch 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi thu hút doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; tập trung phát triển 1.350 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề mới; quan tâm giúp khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế gắn với hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh rà soát cơ chế chính sách phát triển hạ tầng công nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, chuyển đổi hợp tác xã sang mô hình doanh nghiệp. Đặc biệt, để “tiếp sức” cho doanh nghiệp tư nhân, Sở Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp: Tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trình độ chuyên môn cao để phục vụ tốt yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn:Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển
Trong giai đoạn hiện nay, TP Hà Nội tập trung các giải pháp nhằm đưa kinh tế tư nhân thành động lực chính của sự phát triển, thay cho trước đây chọn doanh nghiệp nhà nước làm "mũi nhọn" của nền kinh tế. Thời gian gần đây, Chính phủ, thành phố có nhiều cơ chế cởi mở, để tạo động lực phát triển chung cho toàn dân, ai có đủ năng lực trình độ, kiến thức, tài chính thì đều có thể tham gia. Theo đó, doanh nghiệp là tư nhân hay đầu tư nước ngoài chịu sự quản lý của Nhà nước, đi đúng lộ trình, đường lối, hành lang pháp lý của Nhà nước sẽ có những bước đi bài bản, vững chắc theo quy luật phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung hơn nữa chất xám, sự nhiệt huyết, cũng như trách nhiệm của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Ngoài việc ban hành, hướng dẫn thủ tục hành chính, văn bản, giấy tờ, chủ trương đường lối, cần quan tâm trực tiếp đến những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp trong nước vì họ đang chịu sự cạnh tranh rất mạnh của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có “sức khỏe” tài chính, năng lực vượt trội. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng nên chủ động đến với doanh nghiệp, truyền lửa, đồng hành, hướng dẫn họ tháo gỡ khó khăn kịp thời. Thậm chí truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, nâng cao hiểu biết, bởi khi nhận thức thay đổi, cao hơn, doanh nghiệp sẽ được mở rộng tầm nhìn, có điểm tựa, có hướng đi đúng hơn. Cách ứng xử với doanh nghiệp như thế thực sự tạo “đòn bẩy” thiết thực nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, giúp họ thực hiện tốt sứ mệnh trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI Nguyễn Khoa Bảo: Giải pháp cụ thể bám sát mục tiêu chung
Là một lãnh đạo doanh nghiệp tôi nhận thấy, doanh nghiệp muốn phát triển đúng hướng cần các giải pháp cụ thể nhưng phải bám sát chủ trương, mục tiêu chung của thành phố. Cụ thể FSI luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển; tăng cường học hỏi và hợp tác với các doanh nghiệp liên quan trong nước và quốc tế để nâng cấp chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo không ngừng trong mọi hoạt động.
Chúng tôi luôn xác định, dù các chính sách của Nhà nước tốt đến mấy, nhưng nếu doanh nghiệp không năng động, chủ động, quyết liệt với mục tiêu thì khó thành công. Hiện FSI đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh hướng tới mô hình tập đoàn, trong đó đổi mới theo hướng tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ và phát triển danh mục sản phẩm đáp ứng toàn diện cho nhu cầu số hóa như: Phần mềm quản lý văn bản/tài liệu, công nghệ nhận dạng và trích xuất thông tin tự động, dịch vụ công, cổng thông tin, quản lý kinh doanh, quản lý dự án, quản lý nhân sự... FSI chủ động tìm kiếm và thông qua hiệp hội hợp tác với các doanh nghiệp từ các nền kinh tế hiện đại như Isarel, Đức, Mỹ, Nhật Bản để hoàn thiện sản phẩm, giải pháp.
Trong tiến trình phát triển của mình, chúng tôi thấy còn vướng mắc trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp và nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển, chưa có nhiều khách hàng từ thị trường nước ngoài và từ các chương trình xúc tiến. Do đó chúng tôi rất mong các sở, ban, ngành hỗ trợ tốt hơn cho các lĩnh vực này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.