(HNM) - Cùng với cả nước, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên các trường tiểu học ở Hà Nội triển khai dạy - học theo chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Qua hơn 1 tháng triển khai, nền nếp dạy học ở các nhà trường đã bước đầu ổn định, song ở một số nơi vẫn còn những khó khăn. Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc dạy - học và đồng hành, tập trung gỡ khó cho giáo viên, học sinh sau mỗi buổi học để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới là chủ trương của ngành Giáo dục Thủ đô.
Những tín hiệu vui
Kết quả kiểm tra, khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, cho thấy, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đã được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, ổn định, tạo sự chủ động, tự tin cho học sinh. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ; học sinh thành phố bước đầu đáp ứng tốt với chương trình, sách giáo khoa mới.
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy những tín hiệu vui từ các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh, việc triển khai dạy - học chương trình, sách giáo khoa mới ở các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai đã đi vào nền nếp, học sinh hứng thú với các bài học. Điều đáng mừng là các nhà trường đều nhận được sự phối hợp, đồng hành và hỗ trợ thường xuyên của phụ huynh học sinh.
29 trường tiểu học trên địa bàn huyện Mê Linh cũng bắt nhịp tốt với chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho rằng, qua nhiều lần tập huấn, giáo viên có chuyển biến rõ về phương pháp dạy học. Việc dạy học theo cách truyền thụ kiến thức đơn thuần không còn, giáo viên đã dành nhiều thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục để học sinh tự tiếp cận kiến thức, hình thành kỹ năng chủ động học tập.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) Ngô Phi Khanh, năm nay, học sinh không có thời gian làm quen với nền nếp học tập trước ngày khai giảng như các năm trước, nên thời gian đầu giáo viên khá vất vả. Còn bà Nguyễn Thị Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Tôi cảm thấy chương trình học còn nặng, số học sinh trong một lớp lại đông, e rằng các con bị quá tải".
Chung sức gỡ khó khăn
Tạo những điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1, chung sức gỡ khó khăn, quyết tâm triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới, tạo thuận lợi để triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022 là quyết tâm đang được giáo viên, phụ huynh học sinh và các trường học trên địa bàn Hà Nội cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp.
Cô giáo Bùi Thị Phương Hòa, Trường Tiểu học An Hưng (quận Hà Đông) cho hay: “Chúng tôi đã được tập huấn nhiều lần, chuẩn bị kỹ về tâm thế, song khi thực hiện chương trình mới cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn. Tuy nhiên, thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ về chuyên môn, kỹ năng của nhà trường, đến nay, giáo viên đã vào guồng, học sinh đã vào nếp học, phụ huynh cũng không còn lo lắng. Nếu không có con học lớp 1 các năm trước, thì nhiều phụ huynh dễ hiểu nhầm rằng học sinh lớp 1 năm nay học nặng hơn”.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, bên cạnh việc tăng cường dự giờ, tổ chức các chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể của giáo viên sau từng tuần, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đã tổ chức cho tất cả giáo viên dạy lớp 1 của các trường tham dự các tiết dạy minh họa đối với tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình. Trên cơ sở những tiết dạy minh họa, các giáo viên thảo luận, xây dựng nội dung, hình thức triển khai cho phù hợp với học sinh của trường mình.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, toàn huyện có 94 lớp với gần 3.300 học sinh lớp 1, các nhà trường đã dành những điều kiện thuận lợi nhất, các phòng học khang trang nhất, những giáo viên tốt nhất để dạy lớp 1, kiên quyết không để trường nào có sĩ số từ 40 học sinh/lớp trở lên.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, những bỡ ngỡ, vướng mắc trong chặng đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là không tránh khỏi, đòi hỏi các nhà trường hỗ trợ giáo viên tích cực hơn, quan tâm đến học sinh nhiều hơn để không bỏ sót bất cứ một học sinh nào. Một trong những khó khăn cơ bản của thành phố Hà Nội là mỗi năm số học sinh trong độ tuổi ra lớp ngày càng tăng, dẫn đến hiện tượng một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định của điều lệ. Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này, trong đó có việc tăng cường mọi nguồn lực đầu tư và sự quan tâm tốt nhất dành cho học sinh lớp 1, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.