(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo đó, vào tháng 3 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp sẽ tổ chức đối thoại với thanh niên về cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật đối với thanh niên; vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong học tập, lao động… Dư luận đánh giá đây là chính sách mới tạo điều kiện tốt cho công tác thanh niên.
Ông Ngô Văn Thiện, Trưởng ban Đoàn kết thanh niên và Địa bàn dân cư, Thành đoàn Hà Nội:
Thanh niên hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình
Theo Nghị định số 13/2021/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp; thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số... được quy định rất rõ ràng. Nghị định này cũng quy định cụ thể đối với Tháng Thanh niên để thanh niên phát huy hơn tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong phối hợp xây dựng các phong trào ở từng địa bàn dân cư. Từ đây, thanh niên thể hiện sức trẻ, tinh thần tình nguyện với những công việc chung của xã hội, của đất nước. Qua hoạt động của Tháng Thanh niên, xã hội cũng quan tâm, chăm lo hơn đến lực lượng này, còn thanh niên hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong tham gia đóng góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Bà Phạm Phương Phương, Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng:
Kịp thời giải quyết kiến nghị, đề xuất của thanh niên
Điều 5 của Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định rõ về trách nhiệm tổ chức đối thoại. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Quy định tổ chức đối thoại với thanh niên không chỉ là đối thoại trực tiếp mà còn có đối thoại trực tuyến, cho thấy hình thức đối thoại linh hoạt hơn để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, văn bản này cũng quy định nguồn lực xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp.
Anh Lê Đức Thọ, Bí thư Huyện đoàn Thường Tín:
Góp phần tạo niềm tin cho thế hệ trẻ
Từ sự quan tâm của tổ chức Đoàn, lực lượng thanh niên đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trên mọi phương diện. Với huyện Thường Tín, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, hằng năm, Huyện đoàn cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Thông qua hoạt động đối thoại với thanh niên, cấp thẩm quyền đã giải quyết được các kiến nghị, đề xuất của thanh niên; hiểu được những khó khăn, vướng mắc của thanh niên để có giải pháp hóa giải. Tôi tin rằng, khi hoạt động đối thoại được thực hiện thường xuyên sẽ góp phần tạo niềm tin cho thế hệ trẻ, từ đó thanh niên sẽ tích cực tham gia các tổ chức hội, để hoạt động Đoàn ngày càng đạt hiệu quả cao.
Anh Nguyễn Thành Luân, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Đây là cách tốt nhất để thấu hiểu thanh niên
Sự ra đời của Nghị định 13/2021/NĐ-CP với những quy định rất cụ thể, chi tiết về nội dung đối thoại, trong đó tập trung vào việc phổ biến cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đối với thanh niên… là rất thiết thực. Qua đối thoại, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sẽ nắm bắt được những ưu, nhược điểm còn tồn tại trong cơ chế, cách triển khai… các chương trình hoạt động với đoàn viên để từ đó có điều chỉnh phù hợp. Mặt khác, đối thoại là phương thức để các cấp thẩm quyền thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, là sợi dây gắn kết, từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đoàn viên Lê Anh Quân, lớp ĐH9 QTKD2, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường:
Mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ
Theo tôi được biết, trong khi các trường đại học và các địa phương vùng đô thị có nhiều chương trình hoạt động thiết thực dành cho thanh niên, thì tại các địa phương, đặc biệt ở vùng ngoại thành, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… các chương trình hoạt động dành cho thanh niên lại rất hạn chế, thiếu tính chủ động. Với quy định mới này, tôi hy vọng Nghị định sẽ được thực hiện nghiêm túc trong thực tế để công tác thanh niên được quan tâm hơn ở mọi vùng, miền. Tôi tin, từ hoạt động đối thoại, công tác thanh niên sẽ được đổi mới, những vấn đề lớn của thanh niên như giải quyết việc làm, khởi nghiệp, hướng nghiệp cho thế hệ trẻ... sẽ được các cấp quan tâm thỏa đáng, góp phần mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ lựa chọn, tìm hướng phát triển phù hợp với năng lực của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.