(HNM) - Ngày 9-10, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2019-2020 với phương thức là thi tuyển 4 bài thi độc lập.
Thí sinh làm bài thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2018. Ảnh: Nhật Nam |
- Năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức mới. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?
- Sau khi dự kiến các phương án tuyển sinh, chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, giáo viên, học sinh, phụ huynh, các phương tiện truyền thông và nhân dân Thủ đô. Tiếp thu các ý kiến đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020 theo phương thức thi tuyển. Việc đổi mới này là cần thiết với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy, học toàn diện ở các cấp học, hạn chế tình trạng học lệch, học tủ ở một bộ phận học sinh hiện nay.
Năm học 2019-2020, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội sẽ là thi tuyển với 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư (chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý). Sở GD-ĐT công bố chọn bài thi môn thứ tư vào tháng 3-2019. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi và điểm cộng thêm (nếu có), trong đó điểm bài thi ngữ văn và toán có hệ số 2.
- Với 4 bài thi, nhất là bài thi ngoại ngữ lần đầu triển khai, bài thi thứ tư công bố sát thời gian thi, nhiều phụ huynh cho rằng học sinh sẽ phải ôn thi vất vả, chịu nhiều áp lực. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Chương trình giáo dục THCS của Bộ GD-ĐT hiện nay đòi hỏi học sinh học đủ các môn học như: Toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngoại ngữ, công nghệ... Học sinh dự thi 4 môn trong số các môn như trên là phù hợp, không quá tải.
Việc công bố môn thi thứ tư vào tháng 3-2019 nhằm tác động để học sinh phải học đồng đều tất cả các môn trong chương trình. Để giảm áp lực cho học sinh, Sở GD-ĐT đã có những yêu cầu cụ thể và công khai như đề thi các môn phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GD-ĐT quy định. Đề thi môn ngoại ngữ và môn thứ tư có các câu hỏi chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có một số ít câu hỏi ở mức độ vận dụng cấp độ thấp...
Theo kế hoạch, kỳ tuyển sinh lớp 10 dự kiến được tổ chức vào hai ngày 2 và 3-6-2019. Việc triển khai sớm kỳ thi 1 tuần so với năm trước nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, tránh để lâu phải ôn tập lại và cũng hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm.
- Vậy, việc thay đổi này có làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nguyện vọng của học sinh không?
- Phương thức thi mới không ảnh hưởng đến quyền lợi, nguyện vọng học tập của học sinh. Mỗi học sinh vẫn được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên như năm học trước. Học sinh cũng có thể thay đổi khu vực tuyển sinh để vừa thuận lợi khi di chuyển, không phải đi học quá xa, vừa phù hợp với năng lực và nguyện vọng học tập.
- Theo quy định, để được xét tuyển vào trường công lập, học sinh phải có đủ số bài thi. Vậy trong trường hợp học sinh không tham dự kỳ thi hoặc dự thi không đủ số môn, các em còn có cơ hội học tập ở cấp THPT không?
- Năm học 2019-2020, với các trường THPT ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tiếp tục cho phép các đơn vị được lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp, bảo đảm đúng quy chế. Căn cứ theo điều kiện thực tế, các đơn vị có thể xét tuyển học sinh căn cứ vào điểm thi của học sinh khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hoặc xét tuyển dựa trên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS.
Như vậy, nếu học sinh không tham dự kỳ thi hoặc dự thi không đủ số môn quy định thì các em vẫn có thể được xét tuyển vào trường THPT ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Việc ôn tập tốt sẽ giúp thí sinh giành kết quả cao trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019. Ảnh: Nhật Nam |
- Sở GD-ĐT có công bố đề minh họa không và nếu có thì khi nào?
- Việc có đề tham khảo cho kỳ thi là cần thiết nhằm tạo điều kiện để giáo viên, học sinh làm quen với định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Đối với đề thi môn ngữ văn và toán, mọi yêu cầu về kiến thức, hình thức, nội dung... vẫn giữ nguyên nên giáo viên, học sinh có thể dùng đề thi chính thức của các năm trước để tham khảo. Sở GD-ĐT sẽ công bố đề tham khảo của môn ngoại ngữ và các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân trên Cổng thông tin điện tử của ngành và các phương tiện thông tin, truyền thông trong tháng 10-2018.
- Kế hoạch dạy và học đối với học sinh cuối cấp THCS có gì thay đổi sau quyết định của UBND TP Hà Nội phê duyệt phương thức tuyển sinh mới hay không?
- Để có phương án tuyển sinh như trên, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị kỹ từ nhiều năm trước và năm nay, Sở đã phổ biến tới tất cả các phòng GD-ĐT, các trường THCS để quán triệt tinh thần dạy - học nghiêm túc, đầy đủ chương trình của tất cả các môn. Mặt khác, đề thi và kế hoạch dạy - học đều tuân thủ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT đã ban hành từ năm 2008. Do vậy, quyết định này không có gì ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học của các trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.